Trên thế giới, các dự án điện gió ngoài khơi đã được chứng minh tạo ra nguồn việc làm bền vững dựa vào toàn bộ chuỗi cung ứng dài hạn và tiên tiến của dự án. Do đó, nếu được triển khai ở quy mô lớn, dự án điện gió ngoài khơi có khả năng mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho Việt Nam.
Điện gió ngoài khơi là những dự án có cơ sở hạ tầng lớn - Ngoài việc cung cấp năng lượng sạch, an toàn và bền vững, điện gió ngoài khơi còn có khả năng thúc đẩy đầu tư từ nước ngoài, phát triển kỹ thuật, tạo ra hàng nghìn việc làm và đẩy mạnh kể nền kinh tế Việt Nam, như thực tế những gì các dự án này đã làm ở châu Âu.
Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn có công suất dự kiến khoảng 3,5GW đang được phát triển bởi Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), Asiapetro và Novasia. Dự án toạ lạc ngoài khơi giàu tài nguyên gió của tỉnh Bình Thuận và được kỳ vọng là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên được đưa vào vận hành tại Việt Nam. Dự án dự kiến sẽ cung cấp điện cho hơn 7 triệu hộ gia đình Việt mỗi năm khi đã lắp đặt đủ hệ thống công suất 3,5 GW, và có thể hạn chế lượng khí thải lên đến 130 triệu tấn CO2 trong suốt thời gian vận hành.
Theo một nghiên cứu chuyên sâu về tác động kinh tế, thực hiện bởi các chuyên gia quốc tế của BVG Associates, dự án La Gàn dự kiến sẽ mang lại các giá trị tiềm năng, bao gồm tạo ra hơn 45 nghìn công việc tương đương toàn thời gian (Full Time Equivalent - FTE) tại Việt Nam và đóng góp hơn 4.4 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam trong suốt thời gian vận hành dự án. Trong đó, công việc tương đương toàn thời gian (FTE) được hiểu là 1 công việc toàn thời gian trong vòng một năm.
Các lợi ích kinh tế chủ yếu đến từ việc sử dụng chuỗi cung ứng trong nước để phát triển dự án điện gió, cung cấp móng trụ ngoài khơi, thiết kế - xây dựng các cơ sở hạ tầng truyền tải trên đất liền, dịch vụ lắp đặt, vận hành và bảo trì. Trong những lĩnh vực này, chuỗi cung ứng của Việt Nam được đánh giá là có chuyên môn cao, vì vậy các nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào dự án. Tổng tỷ lệ nội địa hóa dự kiến sẽ chiếm khoảng 45% trong toàn bộ chuỗi cung ứng của dự án điện gió ngoài khơi La Gàn.
Để thu thập dữ liệu mang tính thực tế cho nghiên cứu này, BVG Associates đã phỏng vấn 13 công ty hoạt động trong chuỗi cung ứng của ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Các công ty này được lựa chọn dựa trên chuyên môn, thành tích và kinh nghiệm thực tế tại Việt Nam.
Kết quả xuyên suốt của nghiên cứu này cho thấy rõ là Việt Nam có một lực lượng lao động kỹ thuật lành nghề có chuyên môn cao trong lĩnh vực đóng tàu và dầu khí, có thể dễ dàng sử dụng, phát huy và đào tạo thêm lực lượng này để phục vụ cho ngành điện gió ngoài khơi. Nghiên cứu cũng cho thấy, mặc dù các công ty Việt Nam chưa vận hành tàu tự nâng nào nhưng có thể linh hoạt sử dụng những tàu nâng hạng nặng khác của ngành dầu khí để lắp đặt móng trụ và trạm biến áp ngoài khơi trong tương lai.
Công tác phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn sẽ được tiến hành trong nhiều năm, từ đó tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà thầu của Việt Nam tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng của dự án trong những năm sắp tới, khi thị trường ngành điện gió ngoài khơi ngày càng phát triển. Một số hạng mục dự kiến sẽ luôn được nhập khẩu, như các bộ phận tuabin. Tuy nhiên, một số nhà cung ứng Việt Nam cho biết rằng có khả năng họ sẽ đầu tư thêm để phát triển nhà máy và cơ sở hạ tầng. Điều này sẽ giúp nâng cao trình độ chuyên môn ở Việt Nam và có thể tác động tích cực tới các lĩnh vực khác của chuỗi cung ứng và toàn ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, đồng thời cải thiện tỷ lệ nội địa hóa hơn nữa cho dự án La Gàn.