Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA) mới đây đã công bố một báo cáo về tình trạng lừa đảo trực tuyến trên toàn cầu. Theo báo cáo này, số vụ lừa đảo trực tuyến đang bùng nổ mạnh thời gian gần đây.
Báo cáo của GASA sử dụng dữ liệu được cung cấp bởi 2 dự án Chống lừa đảo là ScamVN và công ty bảo mật Group-IB. Theo báo cáo, số vụ lừa đảo trực tuyến trên toàn cầu trong năm 2021 là 266 triệu vụ, tăng 90%. Khoảng 50 tỷ USD của người dùng toàn cầu đã rơi vào tay những kẻ lừa đảo trong năm ngoái. Tuy vậy, báo cáo đánh giá đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi có khoảng 7% nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến trình báo với chính quyền.
Đặc biệt báo cáo cho thấy, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ lừa đảo qua mạng cao, gây thiệt hại 374 triệu USD trong năm 2021, tương đương thiệt hại 4.200 USD mỗi vụ lừa đảo và 3.8 USD nếu tính trên đầu người.
Chỉ tính riêng trong năm 2021, đã có 113.384 trang web lừa đảo được người dùng Việt báo cáo tới hệ thống của dự án Chống lừa đảo và ScamVN. Trong đó hơn 22.000 website đã bị đưa vào “danh sách đen” sau quá trình xác minh.
Các cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đang gia tăng và ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn. Các dạng lừa đảo qua mạng phổ biến nhất trong nước là lừa đảo tài chính, lừa đảo danh tính và lừa đảo tình cảm. Bên cạnh đó, các loại hình lừa đảo mua hàng online và lừa đảo đầu tư (đặc biệt là qua các ứng dụng) cũng rất phổ biến.
Báo cáo cũng ghi nhận số lượng các cuộc tấn công mạng lớn ở Việt Nam trong năm 2021 đã giảm xuống. Mặc dù vậy, các loại hình lừa đảo trực tuyến lại ngày càng trở nên tinh vi hơn. Chỉ tính riêng về số vụ lừa đảo qua email, Việt Nam hiện xếp hàng đầu trong các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á.
Theo báo cáo về các mối đe dọa điểm cuối, năm 2021, Việt Nam đứng thứ 2 ở châu Á về số lượng mã độc tống tiền - ransomware, tăng 200% so với năm 2020. Còn theo nghiên cứu của Viettel Cyber Security, trong năm ngoái, có tới 90% cuộc tấn công mạng liên quan hệ thống tài chính ngân hàng, tăng 42,4% so với năm 2020.
Nghiên cứu “Fraud Report 2020” của Veriff cho thấy, Việt Nam đứng đầu về các nghi ngờ tội phạm sử dụng Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân giả để xác thực, chiếm tới 12,9% trên toàn cầu.
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trong 9 tháng đầu năm, Cục ghi nhận và hướng dẫn xử lý 9.519 cuộc tấn công mạng; ngăn chặn 926 website lừa đảo, trong đó có nhiều trang giả mạo các ngân hàng, tổ chức tài chính.