Ngày 25/10 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức diễn đàn "Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số". Sự kiện thu hút đông đảo đại diện các bộ, ngành và địa phương, các chuyên gia nghiên cứu, các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI chia sẻ: Việt Nam đang bước vào những tháng cuối cùng của năm 2023 với nhiều tín hiệu tích cực cho sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, đến hết quý III năm nay, cả nước đã có hơn 165.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước cũng đang tăng trưởng rất ấn tượng, đạt hơn 497 tỷ USD với cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD…
“Một trong những giải pháp ứng phó linh hoạt và hiệu quả nhất trong giai đoạn khó khăn kéo dài gần 3 năm qua chính là các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị đã chủ động ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo để số hoá quy trình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động”, ông Hoàng Quang Phòng phân tích.
Phát triển kinh tế số là chặng đường dài, hiệu quả của hội nhập kinh tế phụ thuộc nhiều vào năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như của các doanh nghiệp. Vì vậy, việc tiếp tục các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp là nội dung cấp bách. Đây chính là chìa khoá để Việt Nam thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, qua đó nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội từ kinh tế số.
“Chỉ có nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, mới tạo nền tảng cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ”, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định.
Tham luận tại diễn đàn, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho biết, thời gian qua Chính phủ đã có những chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Việc áp dụng giải pháp số đã mang đến những kết quả tích cực.
Nhấn mạnh về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, ông Ngô Hải Phan cho biết, cần đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh thông qua triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP, 19 nghị quyết chuyên đề, đổi mới trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, phát huy vai trò của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính.
Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho rằng, cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, kinh tế số của Việt Nam đang trên đà phát triển, tạo ra những mô hình kinh doanh phi truyền thống. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam gặp không ít khó khăn, thách thức trong nền kinh tế số như thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm quản lý, thiếu công nghệ và nhân lực công nghệ thông tin có trình độ cao…
Theo ông Trịnh Minh Anh, Chính phủ cần quán triệt quan điểm “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo” và thực hiện có kết quả các chủ trương, nhiệm vụ về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đã được đề cập trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây chính là điều kiện thiết yếu để tạo ra một môi trường thuận lợi, giúp cho doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số.
Phát biểu tham luận tại Diễn đàn, Bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam nhấn mạnh, việc chuyến đổi số đối với các doanh nghiệp sản xuất điện tử gắn liền với quá trình chuyển đổi công nghiệp 4.0, nơi sự đồng bộ hóa thiết bị của sản xuất là yếu tố quan trọng để thực hiện chuyển đổi số thành công. Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đặc biệt là những chuyến đi nước ngoài, tham gia các cuộc triển lãm về chuyển đổi số, đã giúp cho các doanh nghiệp Việt học tập được những mô hình chuyển đổi số thành công từ các doanh nghiệp quốc gia lân cận. Bên cạnh đó, việc chuyển đối số đối với các doanh nghiệp đã và đang hoạt động trong chuỗi cung ứng toàn cầu gần như là xu thế bắt buộc, dù tốn kém và mất nhiều công sức, song để đảm bảo giữ vững đơn hàng và vị thế cạnh tranh, thì việc chuyển đổi công nghiệp 4.0, trong đó trọng tâm là chuyển đổi số, là việc gần như bắt buộc. Bà Hương cũng chia sẻ thêm, điều quan trọng nhất của chuyển đổi số thành công là ý chí và mong muốn của người đứng đầu doanh nghiệp.
Ngành điện tử là một ngành công nghệ tiên tiến bậc nhất và có tác động lan tỏa, ảnh hưởng tới nhiều ngành công nghiệp khác. Kim ngạch xuất khẩu của ngành điện tử luôn đứng đầu trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và chiếm tỷ trọng tới trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước với giá trị xuất siêu hàng năm từ trên 11 tỷ Đô la Mỹ trong 2 năm trở lại đây, đóng góp đáng kể vào việc cân bằng cán cân ngoại hối cho đất nước. Các doanh nghiệp ngành điện tử luôn tiên phong và chào đón ý định xây dựng chiến lược bán dẫn của quốc gia. Đại điện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam kiến nghị, cộng đồng doanh nghiệp ngành sản xuất điện tử và Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam mong muốn và đề đạt kiến nghị lên Chính phủ cho phép được tham gia đóng góp vào việc xây dựng chiến lược bán dẫn quan trọng này, đồng thời kiến nghị chiến lược bán dẫn cần ban hành sớm, kịp nắm bắt thời cơ đến với các doanh nghiệp Việt trong bối cảnh tốc độ thay đổi công nghệ quá nhanh hiện nay.
Theo Báo cáo nền kinh tế số 2022 do Google và Temasek thực hiện, với tốc độ tăng trưởng đạt hai con số trong giai đoạn 2019 - 2022, kinh tế số tại Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, là một trong ba quốc gia phát triển kinh tế số hàng đầu khu vực. Dự báo trong những năm tới, kinh tế số tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt khi Việt Nam được đánh giá hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi. Đó là sự đồng thuận, hỗ trợ của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp; cơ sở hạ tầng công nghệ viễn thông ngày càng hoàn thiện; dân số trẻ và tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh, mạng internet và mạng xã hội rất cao…
Tham luận về nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về bản chất thực sự của chuyển đổi số, bà Bùi Thị Hải Yến, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân nữ Hà Nội, Tổng Giám đốc công ty CP Hanel, chia sẻ, đến nay, đại đa số doanh nghiệp chưa thực sự bắt tay vào chuyển đổi số. Báo cáo thường niên năm 2022 của Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về chuyển đổi số cho biết, gần 50% doanh nghiệp trong nước đã ngừng áp dụng chuyển đổi số. Điều này cho thấy, không ít doanh nghiệp đang nhẫm lẫn giữa "tự động hóa" - kết quả của ứng dụng CNTT với "thông minh hóa" - kết quả của ứng dụng công nghệ số. Tất cả các doanh nghiệp "tạm dừng chuyển đổi số" theo báo cáo nêu trên đêu chưa thực sự bắt tay vào chuyển đổi số, mà mới chỉ thử nghiệm áp dụng một vài hạng mục điện tử hóa (hay tin học hóa). Song, những hạng mục này không làm thay đổi phương thức sản xuất của doanh nghiệp, mà chỉ cải thiện thêm cho phương thức sản xuất hiện có.
Do đó, bà Bùi Thị Hải Yến đưa ra ý kiến, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt trong nền kinh tế số, việc đầu tiên là phải nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về bản chất thực sự của chuyển đổi số. Chỉ có hiểu đúng thì mới làm đúng.
Trong quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp đối diện với rất nhiều thách thức, trong đó, thách thức lớn nhất là thay đổi phương pháp tư duy và tập quán sản xuất đã hình thành từ nhiều chục năm, để đón nhận cách nghĩ, cách làm hoàn toàn mới. Đảng và Chính phủ đã và đang tạo mọi điều kiện cho chuyển đổi số toàn diện, rộng khắp. Phần còn lại tùy thuộc và nỗ lực của chính tự thân doanh nghiệp, của cộng đồng doanh nghiệp, của các hiệp hội hỗ trợ doanh nghiệp.