Ủy ban Thương mại công bằng (JFTC) - cơ quan giám sát chống độc quyền của Nhật Bản - đã mở cuộc điều tra để xem xét khả năng Google (thuộc Alphabet) lạm dụng vị thế thống trị thị trường để chặn các dịch vụ của đối thủ.
Động thái trên làm tăng áp lực pháp lý lên "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ sau những vụ việc tương tự trước đó ở châu Âu và Mỹ.
JFTC cho biết họ đang điều tra xem liệu Google có thỏa thuận với các nhà sản xuất điện thoại thông minh Android để chia sẻ doanh thu liên quan đến quảng cáo tìm kiếm hay không, trong trường hợp họ không cài đặt công cụ tìm kiếm của đối thủ.
Ủy ban này cũng đang điều tra xem các dịch vụ của Google có được ưu tiên trên các điện thoại Android hay không.
Động thái này gây sự chú ý từ dư luận quốc tế, bởi đánh dấu lần đầu tiên một cuộc điều tra có tham khảo ý kiến của các bên thứ ba ngay từ đầu.
JFTC cũng cho biết, cuộc điều tra có thể mở rộng phạm vi, nhằm vào cả các nhà sản xuất điện thoại Android có khả năng “đồng lõa” trong vi phạm các quy định về chống hành vi độc quyền.
Cơ quan này đang trưng cầu ý kiến của bên thứ ba như một phần của cuộc điều tra sẽ được đưa ra trước ngày 22/11.
Cuộc điều tra của Nhật Bản tiếp tục tạo áp lực lên Google - vốn đang vất vả ứng phó các cuộc điều tra trên toàn cầu, bao gồm cả tại quê nhà Mỹ.
Mới đây, các cơ quan liên bang xứ Cờ hoa cũng đã cáo buộc Google lạm dụng vị thế thống trị của mình để ngăn chặn việc kinh doanh của các công ty khởi nghiệp và các đối thủ lớn như Microsoft.
Về phần mình, Google cho biết, đã làm việc với các chính phủ, bao gồm cả Nhật Bản. "Tính mở và tính linh hoạt của Android bảo đảm rằng người dùng luôn có lựa chọn tùy chỉnh thiết bị của họ cho phù hợp với nhu cầu, bao gồm cả cách họ duyệt và tìm kiếm trên internet hay tải xuống ứng dụng", Google nêu rõ trong một thông báo phát đi ngày 23/10.
Trước đó, nhà chức trách Mỹ và châu Âu cũng đã thắt chặt các quy định liên quan đến Google - tập đoàn được cho là chiếm tới 90% thị phần tìm kiếm trực tuyến toàn cầu.
Trong năm 2022, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật ngăn chặn các công ty công nghệ lớn ưu tiên các sản phẩm của riêng họ.
Trong khi đó, Đạo luật Thị trường Kỹ thuật Số do Liên minh châu Âu (EU) ban hành cùng năm cũng siết chặt quy định đối với các công ty công nghệ lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách tạo điều kiện cho các công ty mới gia nhập thị trường, cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng.