Thứ 2 vừa qua, Google cho biết thông tin cá nhân của 500.000 tài khoản người dùng Google+ đã bị truy cập do một lỗ hổng trong nền tảng API. Công ty sẽ sớm ngừng Google+ để đảm bảo dữ liệu cho người dùng.
Tuy chưa tìm thấy chứng cứ cụ thể về việc liệu dữ liệu khổng lồ này có bị lạm dụng hay không nhưng Google đang lên kế hoạch đóng cửa mạng xã hội Google+ vĩnh viễn.
Theo báo cáo từ tờ Wall Street Journal, lỗ hổng này đã được phát hiện vào tháng 3/2018 nhưng công ty không hề tiết lộ về sự cố cũng như việc sửa lại nó như thế nào, bởi không muốn bị giám sát về quy định từ các nhà lập pháp. Đây là quyết định chung của ban điều hành cấp cao của Google, cũng như CEO Sundar Pichai. Tờ Wall Street Journals đã trích dẫn một bản ghi nhớ chuẩn bị cho nhân viên chính sách và pháp lý, kèm theo cảnh báo của ông Pichai về vụ bê bối có thể xảy ra, tương tự vụ Cambridge Analytica của Facebook.
Google trở nên lúng túng trước mọi sự cố Google+ đã được họ ra mắt khá phô trương vào năm 2011, với mục đích cạnh tranh với Facebook, thế nhưng mạng xã hội này chưa bao giờ thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng. Cuối cùng, Google đã loại bỏ một số tính năng phổ biến như các cuộc trò chuyện trong Hangout, cũng như khả năng chụp ảnh của mạng xã hội này thành các ứng dụng độc lập.
Công ty cũng cho biết thêm 90% các lượt vào Google+ hiện nay chỉ kéo dài ít hơn 5 giây. Google cho hay sẽ hoàn thành tắt tính năng Google+ trong 8 tháng tới và chính thức dừng hoạt động trong vòng 10 tháng, để người dùng có cơ hội di chuyển thông tin của mình và làm quen trước với việc chuyển đổi nền tảng. Sự cố hôm thứ 2 vừa qua là do lỗ hổng thông qua API - công cụ dành cho các nhà phát triển ứng dụng của bên thứ 3.
Gần đây, Google đã không tránh khỏi ánh mắt dò xét của các nhà chức trách. Trong tháng 7, Google gặp phải chỉ trích gay gắt vì cho phép nhân viên kiểm duyệt toàn bộ nội dung trong hòm thư Gmail. Tháng 8, trang Associated Press tiếp tục phơi bày hành vi theo dõi vị trí người dùng thiết bị Android, kể cả khi tắt tính năng định vị GPS.
Tháng trước, Giám đốc bảo mật Keith Enright của Google, cùng với các đại diện từ các công ty viễn thông và công nghệ viễn thông khác như Apple, Amazon và AT & T - đã làm chứng trước Thượng viện về các vấn đề thực tiễn trong quyền riêng tư của người dùng tại Thung lũng Silicon Valley. Dự kiến, CEO Sundar Pichai sẽ phải đến dự phiên điều trần trước Quốc hội vào tháng 11 sắp tới - sau khi diễn ra cuộc bầu cử của nước Mỹ.