Theo Kế hoạch trên, Hà Nội sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp, xây dựng các mô hình điểm về chuyển đổi số để triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra.
Sẽ có 28 mô hình về chuyển đổi số được triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội bắt đầu từ tháng 11/2023 cho tới các năm tiếp theo.
Các mô hình này được chia làm 5 nhóm chính bao gồm: Nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Nhóm tiện ích phát triển kinh tế - xã hội; Nhóm tiện ích phục vụ công dân số; Nhóm số hóa, tạo lập dữ liệu dùng chung trên Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ cải cách thủ tục hành chính; Nhóm phục vụ chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp.
Giao Ban Chỉ đạo Đề án 06/CP TP Hà Nội chủ trì, chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND quận, huyện, thị xã, UBND xã, phường, thị trấn phối hợp Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội - Bộ Công an và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này.
Nhóm tiện ích phát triển kinh tế - xã hội (14 mô hình) gồm: Khám, chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) và VneID; khám, chữa bệnh sử dụng sinh trắc học, Kiosk tự phục vụ; triển khai tại các cơ quan thực hiện chứng thực công chứng, tổ chức hành nghề công chứng, văn phòng thừa phát lại; triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại khách sạn, căn hộ, biệt thự, nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, tàu thủy lưu trú du lịch; nhà trọ, nhà khách, nhà công vụ; triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại nhà cho thuê, nhà ở trong khu công nghiệp; triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại các cơ sở khám, chữa bệnh; triển khai nền tảng quản lý lưu trú trên xe khách đường dài; triển khai giải pháp kiểm soát ra - vào tại điểm du lịch, khu du lịch; triển khai giải pháp kiểm soát ra - vào khu công nghiệp; triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự (cơ sở cầm đồ; dịch vụ bảo vệ; cơ sở khác); triển khai thiết bị xác thực điện tử trong đào tạo, sát hạch lái xe; triển khai giải pháp xử phạt vi phạm trật tự, an toàn giao thông và trật tự, an toàn xã hội; triển khai cho vay tín chấp công dân hộ nghèo, người có công; phát triển du lịch, gắn với phát triển đặc sản vùng miền hỗ trợ người dân ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh xác thực điện tử trong phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế số.
Nhóm tiện ích phục vụ công dân số (8 mô hình) gồm: Chuẩn hóa xác thực tập trung (SSO); nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu thành phố (LGSP); truyền thông chính sách qua hệ thống Led, pano, áp phích, truyền thanh cơ sở, truyền hình địa phương, hệ thống phát thanh thông minh, nền tảng số; triển khai nền tảng đào tạo, giáo dục trực tuyến đại chúng mở (MOOC) trên toàn quốc để nâng cao nhận thức, hỗ trợ triển khai Đề án 06/CP cho các cán bộ, công chức, viên chức, giảm chi phí so với đào tạo truyền thống; triển khai tố giác tội phạm qua ứng dụng VneID; triển khai tuyên truyền chính sách, hỗ trợ pháp lý qua ứng dụng VneID, Call Center; thông tin lý lịch tư pháp trên VnelD; triển khai tích hợp thông tin sổ sức khỏe điện tử, sổ lao động điện tử trên VneID; quản lý thông tin người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, VneID theo chỉ đạo của Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP Trung ương; số hóa tạo lập dữ liệu trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (lao động xã hội, các tổ chức hội, đoàn thể...) phục vụ cải cách thủ tục hành chính.
Nhóm phục vụ chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp (1 mô hình) đó là tổ chức đào tạo, tập huấn an ninh, an toàn, bảo mật thông tin cho người sử dụng cuối (end use).
Đồng thời, triển khai các giải pháp đồng bộ phát triển VneID và ứng dụng công dân số TP Hà Nội trên nguyên tắc thống nhất, đồng bộ, kế thừa và phát huy thế mạnh của mỗi ứng dụng, không chồng chéo, liên thông dữ liệu hướng đến tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.
Để triển khai thành công kế hoạch này, UBND TP. Hà Nội đã xác định vai trò của Ban chỉ đạo Đề án 06/CP cấp huyện, Tổ công tác Đề án 06/CP cấp xã, Tổ công tác Đề án 06/CP và Công nghệ số cộng đồng tại thôn, tổ dân phố chính là “hạt nhân” trong hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số.
UBND TP Hà Nội yêu cầu việc triển khai thực hiện phải đúng quy định, có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao phục vụ mục tiêu phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phù hợp với yêu cầu thực tế, đặc thù, đặc điểm tại TP Hà Nội. Đồng thời, phải đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật, bí mật thông tin của công dân.