Trong khuôn khổ lễ ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), gọi tắt là Hiệp định EVFTA, và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, gọi tắt là Hiệp định IPA, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương và Phái đoàn EU tại Việt Nam đã tổ chức “Tọa đàm, đối thoại về Hiệp định EVFTA và IPA” ngày 1/7 tại Hà Nội với sự tham dự của các cơ quan Bộ ngành, các tổ chức quốc tế, đông đảo doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ông Trần Tuấn Anh – Bộ trưởng Bộ Công thương phát biểu tại buổi đối thoại: “Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam được kỳ vong sẽ tạo ra con đường thông thoáng với nhiều cơ hội hợp tác mới sâu rộng cho cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam, qua đó thúc đẩy tăng trưởng thương mại, đầu tư giữa đôi bên. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực thi các cam kết WTO và các Hiệp định thương mại cho thấy, các lợi ích suy đoán từ một hiệp định sẽ không đương nhiên trở thành hiện thực. Cũng như vậy, các quyền và nghĩa vụ theo các cam kết không tự nhiên phát huy tác dụng. Cần những nỗ lực lớn để thực thi các cam kết, hiện thực hóa các lợi ích và xử lý thách thức liên quan”.
Cho đến nay, trong 12 FTA mà Việt Nam ký kết, EVFTA có sự khác biệt rất quan trọng, khiến Việt Nam có thể cạnh tranh được ở thị trường phát triển ở châu Âu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Từ hàng hóa, đầu tư, mua sắm chính phủ, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ đến vốn và công nghệ đều đáp ứng mục tiêu chiến lược của cả hai bên. Đây được đánh giá là cú hích rất lớn cho xuất khẩu Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng mà Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Bà Cecilia Malmstrom – Cao ủy Thương mại EU chia sẻ: “Tôi thực sự hoan nghênh khi cả Việt Nam và EU đã ký kết được một hiệp định quan trọng. EVFTA được coi là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, phù hợp với các định chế của WTO, có tính đến độ chênh của trình độ phát triển giữa hai bên. Với gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế sau một lộ trình ngắn, đây là mức cam kết cao nhất mà đối tác EU dành cho Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để cho doanh nghiệp Việt Nam đi tìm đối tác, gắn kết thương mại với các quốc gia tại châu Âu”.
Hiệp định này rất quan trọng giúp mở rộng thị trường cho các DN khi các dòng thuế giảm dần hoặc cắt bỏ. EVFTA yêu cầu mở cửa thị trường 99% thuế quan được dỡ bỏ dần dần theo một lộ trình kéo dài từ 7 - 10 năm. Việt Nam có thể sẽ tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và GDP lên đến 15.000 tỷ USD. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi EU là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của chúng ta hiện nay (sau Mỹ) là những lời nhận định của ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Việt Nam và EU là hai thị trường có cơ cấu sản phẩm bổ sung hỗ trợ lẫn nhau. Trong đó, Việt Nam thường xuất khẩu những hàng hóa không phải là thế mạnh của EU (như dệt may, trái cây nhiệt đới…) trong khi phần lớn hàng hóa EU xuất khẩu sang Việt Nam cũng là những mặt hàng Việt Nam chưa phát triển sản xuất (như ô tô, dược phẩm...). Bên cạnh xuất khẩu, đầu tư giữa hai bên được hy vọng sẽ kích lên tầm cao khi EVFTA có hiệu lực. Dòng vốn từ châu Âu là dòng vốn chất lượng cao nên đây cũng là cơ hội giúp Việt Nam cải thiện giá trị gia tăng, đón nhận chuyển giao công nghệ ở khối kinh tế tư nhân trong nước.
EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030. Kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng khoảng 15,28% vào năm 2020, 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 2,18-3,25% trong giai đoạn 2019-2023; 4,57-5,30% giai đoạn 2024-2028 và 7,07-7,72% giai đoạn 2029-2033.
Với EVFTA Việt Nam còn có cơ hội nhiều hơn khi tiếp cận công nghệ cao, bởi Đức và một số nước khác là những ứng cử viên đầu tàu trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. EU hiện có gần 500 triệu dân, chiếm 7,3% toàn thế giới, GDP 17,57 nghìn tỷ USD, GDP đầu người/năm là 32.900 USD.
Ngành mũi nhọn của Việt Nam như: gạo, cà phê, mật ong, chăn nuôi, hoa quả, thủy sản... đều hưởng ưu đãi ngay từ những năm đầu tiên. Tiếp đó là ngành dệt may, giày da, đồ gỗ, tin học, ô tô, hóa dầu… đều được hưởng nhiều ưu đãi theo lộ trình.
Theo kế hoạch, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu sẽ được trình lên Nghị viện các nước châu Âu và Quốc hội Việt Nam để được thông qua và chính thức có hiệu lực.