Tờ Global Times đưa tin sự việc trên xảy ra tại thành phố Thâm Quyến ngày 30/5. Người đàn ông tên là Văn đã đưa chiếc Tesla Model 3 của mình tới một cọc sạc để nạp đầy pin. Tuy nhiên, sau khi cắm sạc nhưng thấy mức pin không tăng nên anh đã rút đầu sạc ra và quay trở lại xe. Lúc này, chiếc xe bỗng dưng rơi vào tình trạng "sập nguồn", không thể khởi động bất cứ thứ gì. Quá kinh ngạc và bất ngờ, ông Văn cố kéo cửa xe ra và bấm nút khẩn cấp nhưng không có gì xảy ra.
Bị kẹt trong xe hơn 10 phút, ông Văn thử nhiều cách như mở cửa xe bằng điện thoại, kéo tay nắm cơ nhưng đều không ăn thua. Dưới cái nắng thiêu đốt, nhiệt độ bên trong xe bắt đầu nóng lên, ông Văn mô tả lại cảm giác của mình lúc đó: "Tôi thấy ngộp thở, người vã mồ hôi".
Trong lúc hoảng loạn, ông Văn đập tay vào kính chắn gió tìm sự giúp đỡ. May mắn thay, vài tài xế đang sạc xe tại trạm đi ngang qua. Ông Văn liều lĩnh đập cửa kính xe để thu hút sự chú ý của họ. Nhận ra điều bất thường, những người có mặt ở đó đã mang dụng cụ đến đập cửa kính để giải cứu ông.
Sau khi được giải cứu, anh đã mất một lúc để vượt qua cơn hoảng sợ, sau đó lập tức liên hệ với cảnh sát, bộ phận chăm sóc khách hàng của Tesla ở khu vực gần nhất cũng như cả báo chí. Tuy nhiên, lúc đầu chỉ có cảnh sát và nhân viên giới truyền thông đến. Hai tiếng sau, một nhân viên Tesla mới vội vã xuất hiện tại hiện trường. Sau khi kiểm tra, người này nói rằng nguyên nhân có thể là do pin, nhưng lý do cụ thể thì cần phải kiểm tra thêm.
Ông Văn rất bất bình trước tai nạn ngoài ý muốn. Dù pin xe gần cạn nhưng hệ thống không hề cảnh báo ông. Việc không thể mở tay nắm khẩn cấp cũng không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nhân viên đã kiểm tra tay nắm cửa trên xe và khẳng định có thể mở công tắc khẩn cấp như thường. Người này cho biết công tắc khẩn cấp hoạt động cơ học nên không thể hỏng bất ngờ được. Nhưng điều đó đã xảy ra với ông Văn.
Đến chiều hôm đó, Tesla xác nhận sự cố là do pin 12V của chiếc xe bị giảm dung lượng lưu trữ, nguyên nhân cụ thể dẫn đến mất điện thì phải chờ thêm kết quả giám định. Tesla cũng hứa sẽ kiểm tra vấn đề công tắc trục trặc.
Ông Văn cho biết mình mua chiếc Tesla vào năm 2018 với giá hơn 500.000 nhân dân tệ (khoảng 77.000 USD) và là hàng nhập khẩu thuần túy. Xe không có thay đổi gì lớn ngoại trừ việc sửa chữa cản sau ở phần đuôi xe. Đôi khi xe cũng bị tắt nguồn nhưng sau đó vẫn khởi động lại bình thường.
Đến hôm 6.3, tài khoản WeChat của Tesla chính thức đăng lời xin lỗi về sự cố sập nguồn của chủ xe ở Thâm Quyến. Công ty cho biết đang tích cực hỗ trợ ông Văn bảo dưỡng xe và khẳng định chiếc xe hiện đã hoạt động bình thường, chạy được hơn 91.000 km. Đồng thời, nhân viên Tesla có mặt tại hiện trường cũng gửi lời xin lỗi vì đã để chủ xe chờ quá lâu, hứa sẽ cải tiến và đẩy nhanh quy trình trong thời gian tới.
Tesla nhắc nhở các chủ xe hãy sạc pin càng sớm càng tốt mỗi khi pin yếu để tránh trường hợp tắt nguồn đột ngột. Nếu không mở được xe, hãy dùng cơ chế mở cửa khẩn cấp hoặc gọi cho Tesla để nhận hỗ trợ.
Sự cố xảy ra với ông Văn nhanh chóng trở thành đề tài tìm kiếm "nóng" trên các trang mạng xã hội Trung Quốc. Xe điện Tesla từng là sản phẩm được người tiêu dùng Trung Quốc đua nhau sở hữu, nhưng hàng loạt sự cố kỹ thuật đã khiến cư dân dần mất niềm tin đối với hãng xe này.
Nhà sản xuất ô tô điện hàng đầu của Mỹ đã rơi vào tình trạng “nước sôi lửa bỏng” sau khi số lượng vụ tai nạn gia tăng ở Trung Quốc bắt đầu làm giảm doanh số bán hàng tại thị trường tiềm năng này.
Thống kê từ Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc cho thấy Tesla đã bán được 25.845 xe điện trong tháng 4 tại Trung Quốc, giảm 27,15% so với mức 35.478 xe hồi tháng 3.
Model 3, một trong những mẫu xe bán chạy nhất của Tesla, sẽ bị loại khỏi hai bảng xếp hạng an toàn danh giá bậc nhất tại Mỹ là Top Pick của Consumer Reports, và Top Safety Pick của IIHS.
Việc này là do Tesla quyết định loại bỏ hệ thống cảm biến bằng radar ở phía trước của các xe Model 3 và Model Y.
Nhà nghiên cứu khoa học Bryan Reimer từng bày tỏ sự lo ngại rằng tại sao Tesla lại thay thế một tính năng an toàn đã được chứng minh hiệu quả bằng một công nghệ chưa được công nhận. "Liệu hệ thống chỉ dựa trên dữ liệu hình ảnh có thể tốt bằng hoặc tốt hơn hệ thống dùng radar không?", Reimer hoài nghi.