Cụ thể, để tiếp tục sử dụng ví điện tử, trước ngày 7.7.2020, tất cả chủ tài khoản ví điện tử cần cung cấp các giấy tờ như căn cước công dân, chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn, giấy khai sinh (với cá nhân là công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi); thị thực nhập cảnh hoặc giấy tờ chứng minh được miễn thị thực nhập cảnh (với cá nhân là người nước ngoài) và liên kết tài khoản ngân hàng của mình với tài khoản ví điện tử.
Mới đây, ví điện tử Moca đã phát ra thông báo khuyến nghị người dùng thực hiện xác thực tài khoản để tránh bị gián đoạn việc thanh toán không tiền mặt và tận hưởng các tiện ích ưu đãi.
Theo Moca, với việc xác thực danh tính người dùng theo quy định, họ hướng đến tạo ra một nền tảng thanh toán an toàn, giảm thiểu rủi ro gian lận, trộm danh tính, rửa tiền và các hoạt động vi phạm pháp luật khác. Từ đó sẽ gia tăng trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt và góp phần thúc đẩy sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Bá Diệp - phó chủ tịch HĐQT ví điện tử MoMo, việc xác thực thông tin giúp bảo vệ quyền lợi của người dùng cũng như phục vụ công tác phòng chống tội phạm, phòng chống rửa tiền của Nhà nước. Chúng tôi đánh giá quy định này phù hợp với thông lệ chung của thế giới.
Về việc nhiều người thấy phiền phức hoặc lo ngại, ông Diệp khẳng định tất cả thông tin người dùng cung cấp chỉ sử dụng cho mục đích duy nhất là xác minh tính chính danh của tài khoản. "Chúng tôi không cung cấp thông tin cá nhân của khách hàng cho bất kỳ bên thứ ba nào" - ông Diệp nói.
NHNN cho biết đến tháng 5.2020, có 34 tổ chức không phải là ngân hàng đã được NHNN cấp Giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Các tổ chức trung gian thanh toán đã cung ứng 4,24 triệu ví đã được xác thực, có sự liên kết với tài khoản ngân hàng, trong tổng số gần 9 triệu ví đăng ký. Theo quan điểm của NHNN, cơ chế xác thực người dùng là cần thiết để đảm bảo an toàn cho thanh toán điện tử, tránh để ví điện tử bị lợi dụng bởi các hoạt động bất hợp pháp.
“Trong thời gian vừa qua có một số trường hợp người sử dụng ví điện tử bị lộ thông tin và ảnh hưởng an toàn. Qua nghiên cứu, NHNN thấy rằng, với những tài khoản thanh toán tại ngân hàng hoặc thẻ ghi nợ, cần phải làm rõ kê khai xác minh danh tính”, ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc NHNN cho biết.
Hạn mức tiêu dùng không quá 100 triệu/tháng
Tại thông tư 23, NH Nhà nước đã quy định tổng hạn mức giao dịch qua ví điện tử cá nhân của 1 khách hàng tại một tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử tối đa là 100 triệu đồng/tháng. Việc nạp tiền vào ví điện tử phải qua tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của khách hàng hoặc nhận tiền từ ví điện tử khác do cùng tổ chức cung cứng.
NH Nhà nước cấm sử dụng ví điện tử để thực hiện các giao dịch cho mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Chủ ví điện tử cũng không được cho thuê, cho mượn ví điện tử hoặc mua, bán thông tin ví điện tử. Trước đó, NH Nhà nước cũng quy định các ví điện tử buộc phải liên kết tài khoản NH.