Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng 29/5, 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước.Trong đó, tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cao hơn kim ngạch xuất khẩu khiến cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 nhập siêu 369 triệu USD…
Về xuất khẩu, trong tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 26 tỷ USD, giảm 2,1% so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng 35,6%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 33,06 tỷ USD, tăng 16,6%, chiếm 25,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 97,88 tỷ USD, tăng 36,3%, chiếm 74,8%.
Trong 5 tháng đầu năm 2021 có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 63,8%), trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 21,9 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 19,5 tỷ USD, tăng 26%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 14,9 tỷ USD, tăng 74,8%; hàng dệt may đạt 12,2 tỷ USD, tăng 15%; giày dép đạt 8,5 tỷ USD, tăng 26,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,6 tỷ USD, tăng 61,3%.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2021, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 70,7 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 54% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (tăng 0,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).
Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 47,32 tỷ USD, tăng 33% và chiếm 36,1% (tăng 0,6 điểm phần trăm). Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 9,69 tỷ USD, tăng 13,5% và chiếm 7,4% (giảm 1,1 điểm phần trăm). Nhóm hàng thủy sản đạt 3,24 tỷ USD, tăng 12% và chiếm 2,5% (giảm 0,4 điểm phần trăm).
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 37,6 tỷ USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 20,1 tỷ USD, tăng 26%; thị trường EU đạt 16,1 tỷ USD, tăng 20,8%; thị trường ASEAN đạt 11,5 tỷ USD, tăng 23,7%; Hàn Quốc đạt 8,9 tỷ USD, tăng 17,1%; Nhật Bản đạt 8,4 tỷ USD, tăng 7,7%.
Từ chiều ngược lại, trong tháng 5/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 28 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước tăng 56,4%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 45,8 tỷ USD, tăng 30,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 85,51 tỷ USD, tăng 39,9%.
Trong 5 tháng đầu năm 2021 có 27 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 84,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (4 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD, chiếm 45,3%)., trong đó: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27,4 tỷ USD (chiếm 20,9% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 18,7 tỷ USD, tăng 35,9%; điện thoại và linh kiện đạt 7,5 tỷ USD, tăng 51,3%...
Về cơ cấu nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 123,15 tỷ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,8% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa (tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).
Trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 58,8 tỷ USD, tăng 33% và chiếm 44,8% (giảm 1,1 điểm phần trăm); nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 64,35 tỷ USD, tăng 40,5% và chiếm 49% (tăng 1,4 điểm phần trăm). Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 8,16 tỷ USD, tăng 29,5% và chiếm 6,2% (giảm 0,3 điểm phần trăm).
Trong 5 tháng qua, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 43,3 tỷ USD, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 20,9 tỷ USD, tăng 20,5%; thị trường ASEAN đạt 18,1 tỷ USD, tăng 54,2%; Nhật Bản đạt 8,9 tỷ USD, tăng 14,8%; thị trường EU đạt 6,7 tỷ USD, tăng 16,8%; Hoa Kỳ đạt 6,4 tỷ USD, tăng 6,8%.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch COVID-19.
Đồng thời, tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn; trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển.