Với tên gọi "Foveros 3D", kỹ thuật sản xuất chip mới được Intel mô tả là xếp chồng các thành phần 2D. Chi tiết hơn, nhiều thành phần của một bộ vi xử lý sẽ được chia ra thành các chiplet nhỏ hơn, mỗi chiplet có thể được sản xuất bằng những tiến trình khác nhau. Và từ đó, trên mặt lý thuyết thì Intel có thể tạo ra những con CPU trên tiến trình 10nm, còn những mô đun chiplet bên trong con chip lớn có thể được sản xuất trên những tiến trình 14nm hoặc 22nm.
Với cách sắp xếp mới, các thành phần như đồ họa, xử lý AI, năng lượng... đều là các bộ phận riêng biệt (chiplet) và một số có thể xếp chồng lên nhau, qua đó giúp Intel thiết kế chip linh hoạt hơn, đạt hiệu suất cao hơn và mở ra một tương lai mới cho công nghệ CPU.
Vì vậy, Intel có thể tạo ra CPU 10nm về mặt lý thuyết, còn chiplet bên trong dựa trên tiến trình 14nm hoặc 22nm.
Phương pháp sắp xếp kiểu mô đun này cũng giúp Intel vượt qua một thử thách lớn mà họ đã đối mặt trong nhiều năm: Phát triển một con chip đầy đủ dựa trên tiến trình 10nm. Thậm chí, một số báo cáo trước kia còn cho rằng Intel định hủy bỏ hoàn toàn các kế hoạch dành cho chip 10nm.
Kỳ thực việc chế tạo một con chip hoàn chỉnh trên tiến trình 10nm là điều mà Intel mơ ước từ lâu nhưng liên tục phải hoãn lại, phần nào cho thấy được những thách thức kỹ thuật cực kỳ lớn của nó. Thâm chí, hồi tháng 10 còn có thông tin nói rằng Intel đã hủy bỏ hoàn toàn kế hoạch phát triển tiến trình 10nm. Tất nhiên là Intel khi đó đã bác bỏ thông tin này và tuyên bố đã có những tiến bộ lớn. Và lần này, họ đã chính thức công bố tiến bộ đó là gì tại Sự kiện kiến trúc xử lý diễn ra trong tuần này.
Bên cạnh đó, tại sự kiện lần này, Intel cũng giới thiệu vi kiến trúc mới mà họ phát triển là Sunny Cove - trái tim của thế hệ Core và Xeon tiếp theo dự kiến ra mắt vào nửa cuối năm sau. Intel cho biết ở thế hệ chip mới, chẳng những độ trễ được cải thiện mà đồng thời còn thực thi được nhiều tác vụ song song hơn so với trước đây (có thể sẽ hoạt động giống với GPU hơn?) Intel khẳng định kiến trúc mới sẽ mang lại hiệu suất đơn luồng lẫn đa luồng cải thiện hơn, đồng thời còn thông minh hơn, bảo mật hiệu quả hơn và đặc biệt là hướng tới các tác vụ AI, Machine Learning.
Nói riêng về phần đồ họa, Intel cũng cho ra mắt chip đồ họa tích hợp Gen11 với tuyên bố “được thiết kế để phá vỡ rào cản TFLOPS”. Nói cách khác, đây sẽ là con chip đồ họa tích hợp đầu tiên có hiệu năng xử lý trên 1 TFLOPS, hứa hẹn cho khả năng xử lý mạnh mẽ hơn cả về gaming lẫn mã hóa và giải mã video, đặc biệt là H.265. Tất nhiên, đây cũng sẽ là một thành phần quan trọng nằm trên con vi xử lý “tiến trình 10nm” ra mắt trong năm sau.