Đây là cuộc Triển lãm lần thứ 6 được tổ chức thường niên, kể từ năm 2012 đến nay. Phát biểu tại Lễ Khai mạc, ông BT Tee – Tổng giám đốc Công ty UBM VES cho biết, triển lãm là nơi tập trung trưng bày, giới thiệu những công nghệ mới nhất và máy móc, thiết bị tân tiến, hiện đại phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất và cơ khí chế tạo.
Trong khuôn viên 4.300m2 triển lãm, đã có 165 doanh nghiệp (trong đó 75% là các công ty nước ngoài) đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ với rất nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như: Cybertech, Nikon, Beijing Jingdiao, Carl Zeiss, Mitutoyo, Vạn Sự Lợi…
Ban tổ chức cũng tổ chức nhiều hội thảo chuyên ngành, là dịp để các chuyên gia, DN trao đổi, chia sẻ về những xu hướng công nghệ mới trong ngành cơ khí chế tạo. Đồng thời, các chuyên gia, DN cũng đưa ra những định hướng giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của ngành cơ khí chế tạo Việt Nam, cũng như giúp các DN Việt tham gia sâu hơn vào những chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp sản xuất và cơ khí chế tạo toàn cầu.
Hiện nay ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cải cách và cải tiến công nghệ, nhằm đáp ứng nhu cầu gia công và sản xuất ngày càng cao của xã hội. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã nâng tầm ngành cơ khí chế tạo với những dòng thiết bị thông minh như robot chuyên dụng hay máy in 3D cùng rất nhiều các công cụ máy với nhiều tính năng vượt trội về mặt kỹ thuật. Triển lãm là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác cũng như các công nghệ mới trong đầu tư phát triển.
Theo ban tổ chức cho biết, hiện nay trên cả nước có khoảng 21.000 DN và hơn 53.000 cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ trong lĩnh vực cơ khí, chiếm đến 30% trong tổng số DN chế tạo, chế biến của Việt Nam. Hàng năm, trung bình các DN này tạo việc làm cho trên 1 triệu lao động và có kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt trên 16 tỷ USD.