Động thái này được đưa ra vào thời điểm chính quyền ông Biden chuẩn bị rót hơn 52 tỉ USD trợ cấp liên bang cho ngành công nghiệp chip của Mỹ.
Ngày 22/9, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành quy định ngăn Trung Quốc và các quốc gia khác dùng trợ cấp của chính phủ Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn. Đây là bước cuối cùng trước khi chính quyền Tổng thống Biden bắt đầu trao khoản trợ cấp 39 tỷ USD cho ngành chip, nằm trong Đạo luật Chips được ban hành tháng 8/2022 với tổng trị giá 52,7 tỷ USD.
Theo đó, các hạn chế mới nhất sẽ cản trở các công ty sử dụng trợ cấp để xây dựng nhà máy sản xuất chip bên ngoài nước Mỹ, đồng thời hạn chế các công ty mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm bán dẫn ở "các quốc gia có nguy cơ gây hại cho Mỹ" trong vòng 10 năm sau khi nhận được trợ cấp.
Một điểm mới khác được bổ sung vào lệnh cấm là các công ty sản xuất chất bán dẫn không được mở thêm phòng sạch hoặc không gian vật lý ở những quốc gia được đánh giá là rủi ro. Việc tăng công suất không được quá 5% và năng lực sản xuất của cơ sở không được vượt quá 10%.
Ngoài ra, quy định mới cũng không cho phép các công ty nhận trợ cấp được thực hiện một số dự án nghiên cứu chung nhất định tại những nước kể trên, hoặc cấp phép bản quyền công nghệ có khả năng tạo ra những mối lo ngại đối với an ninh quốc gia.
Bộ Thương mại Mỹ Gina M. Raimondo nhấn mạnh, nếu một công ty vi phạm quy định thì toàn bộ ưu đãi sẽ bị thu hồi. "Những quy định này sẽ bảo vệ an ninh quốc gia và giúp nước Mỹ dẫn đầu trong nhiều thập kỷ tới".
Những hạn chế này là chủ đề được vận động hành lang mạnh mẽ từ ngành công nghiệp chip - hiện 1/3 doanh thu của ngành này đến từ Trung Quốc. Nhiều nhà sản xuất chip bày tỏ lo ngại rằng, các biện pháp hạn chế quá mức có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng và tác động tới khả năng cạnh tranh toàn cầu của họ.
Tháng 8/2022, Mỹ thông qua gói tài trợ trị giá 52 tỷ USD, trong đó yêu cầu các công ty chip hạn chế mở rộng hoạt động với Trung Quốc. Đến tháng 10/2022, Bộ Thương mại Mỹ tiếp tục ban hành biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận một số chip bán dẫn được sản xuất bằng thiết bị của Mỹ.
Đáp lại động thái trên, đầu tháng 9, chính phủ Trung Quốc đang chuẩn bị ra mắt Quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp, còn gọi là Big Fund nhằm tự chủ trong cuộc đua bán dẫn. Mục tiêu huy động 300 tỷ nhân dân tệ (41 tỷ USD) khiến quy mô của quỹ vượt xa các quỹ được thành lập vào năm 2014 và 2019 với giá trị lần lượt 138,7 tỷ nhân dân tệ (19 tỷ USD) và 200 tỷ nhân dân tệ (27 tỷ USD).