Vài năm trở lại đây, Huawei đã phải đối mặt với các hạn chế xuất khẩu của Mỹ đối với các mặt hàng dành cho 5G và các công nghệ khác, nhưng các quan chức của Bộ Thương mại Mỹ vẫn cấp giấy phép cho vài công ty nước này để bán một số hàng hóa và công nghệ nhất định cho Huawei. Điều này bao gồm Qualcomm vốn được phép bán chip 4G cho smartphone Huawei.
Tuy nhiên, mới đây, Mỹ đang mở rộng lệnh cấm vận đối với Huawei, bao gồm công nghệ 4G, Wifi 6 và 7, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và các mặt hàng hiệu năng cao khác. Động thái này phản ánh rằng, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách thắt chặt chính sách đối với Huawei.
Quyết định sắp tới được đánh giá sẽ tác động lớn đến Huawei, nhưng không gây thiệt hại nặng cho các đối tác từ Mỹ. Bởi cho đến thời điểm hiện tại, Huawei chiếm chưa đến 1% doanh thu của Qualcomm, Intel và AMD, theo Bloomberg.
Huawei từng là một trong những hãng mua linh kiện điện tử lớn nhất thế giới và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp thiết bị cầm tay và thiết bị mạng.
Các quan chức Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách đen của Bộ Thương mại nước này vào năm 2019 nhằm hạn chế hầu hết các nhà cung cấp Mỹ vận chuyển hàng hóa và công nghệ cho Huawei trừ khi họ được cấp giấy phép. Các quan chức này sau đó tiếp tục siết chặt các biện pháp kiểm soát để cắt đứt khả năng mua hoặc thiết kế chip bán dẫn của Huawei để cung cấp sức mạnh cho hầu hết sản phẩm của họ.
Mặc dù vậy, họ vẫn cấp giấy phép để Huawei mua một số sản phẩm. Ví dụ, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 11/2021, Huawei đã chi 61 tỉ USD cho các nhà cung cấp Mỹ để nhận một số giấy phép sử dụng trong sản phẩm của công ty Trung Quốc.
Kể từ khi Huawei bị đưa vào danh sách đen thương mại, các quan chức Mỹ ngày càng thắt chặt những biện pháp kiểm soát, nhằm chặn đứt khả năng mua lại hoặc thiết kế chip bán dẫn từ phía Huawei.
Ngày 27/1 vừa qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đạt được thỏa thuận với Nhật Bản và Hà Lan về việc hạn chế xuất khẩu công cụ sản xuất chip cao cấp sang Trung Quốc, nhằm kìm hãm tham vọng công nghệ và quân sự của đất nước tỷ dân này.
Theo đó, Hà Lan sẽ cấm nhà cung cấp ASML bán một số máy quang khắc chìm cho Trung Quốc. Đây được xem là loại thiết bị tiên tiến nhất trong dòng sản phẩm máy quang khắc chip bằng tia cực tím của công ty. Thiết bị này đóng vai trò rất quan trọng để sản xuất ra những con chip cao cấp. Cùng với đó, Nhật Bản cũng sẽ đặt ra hạn chế xuất khẩu tương tự đối với Nikon.
Thỏa thuận trên được Bloomberg đánh giá là một thắng lợi cho Tổng thống Joe Biden, người đang tìm cách hạn chế các tiến bộ quân sự của Trung Quốc bằng cách ngăn chặn quốc gia này tiếp cận đến các sản phẩm chip cao cấp nhất. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Peter Wennink của ASML cảnh báo rằng thỏa thuận có thể gây ra những hậu quả không lường trước được. Ông Peter Wennink dự đoán, Trung Quốc sẽ tự phát triển thành công công nghệ quang khắc thay vì dựa vào nhập khẩu.