Sáng 28/4, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR, Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN), Viện Chính sách Quốc gia Nhật Bản (GRIPS) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo: “Năng suất lao động ở Việt Nam: nguồn gốc và thách thức cho tăng trưởng”.
Theo báo cáo tại Hội thảo, năng suất lao động (NSLĐ) là mối quan tâm của Đảng và Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, những số liệu thống kê và các phân tích thực trạng năng suất còn chưa đầy đủ, thảo luận chính sách chưa đủ sâu và mang tính thực tiễn cao.
Các doanh nghiệp không có những lợi thế cạnh tranh đảm bảo để đương đầu với thị trường toàn cầu. Dẫn đến kết quả là, sự tăng trưởng NSLĐ toàn nền kinh tế Việt Nam qua 3 giai đoạn từ 1991 – 2019 luôn ở mức thấp chỉ khoảng 5%.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chiến lược (VESS) phát biểu: cần có một chương trình về năng suất lao động tầm quốc gia để thay đổi tư duy, tầm nhìn từ hệ thống lãnh đạo nhà nước đến từng người dân lao động.
“Chúng ta sẽ tạo ra các phong trào mạnh giống như Singpore đã làm cách đây 60 năm”, ông Thành nói: “Malaysia, Thái Lan cũng làm như vậy trong quá trình tăng trưởng nhanh của mình”.
Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng có quan điểm đồng thuận: “Đến khi nào ngay cả những người lái xe ôm, taxi cũng tìm cách đi đúng đường, đúng luật, lại nhanh chóng đến địa điểm cần đến thì lúc đó chúng ta sẽ có được năng xuất lao động cao trong toàn xã hội”.
Khảo sát năm 2017, NSLĐ của Việt Nam trong hầu hết các ngành đều ở mức thấp nhất so với các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á, thua kém cả Campuchia trong lĩnh vực vận tải, kho bãi, chỉ hơn về nông lâm thủy sản.
“Nhật Bản và Hàn Quốc, NSLĐ đều tăng 10% ở những giai đoạn kinh tế tăng trưởng nhanh. Trong khi đó, Việt Nam cao nhất cũng chỉ loanh quanh mốc 5%”, TS. Thành cho biết.
Mới đây, Đại hội XIII của Đảng ‘cũng chỉ dám’ đặt ra mục tiêu tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2025 một cách khiêm tốn là 6,5%/năm. Nhưng cũng được coi là một thách thức khi năng suất lao động tại Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại.
Ngoài nguyên nhân dịch chuyển cơ cấu ngành nghề, báo cáo của Hội thảo tập trung nghiên cứu 3 khu vực kinh tế nhà nước, FDI và tư nhân coi là trọng điểm chính.
Theo nghiên cứu, nguyên nhân của NSLĐ thấp là do Khu vực kinh tế FDI giảm sút và trì trệ. Đặc biệt NSLĐ trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo không cao do thay đổi nội dung hoạt động. Trước năm 2000, các doanh nghiệp FDI sử dụng vốn lớn và công nghệ chiếm đa số. Sau đó, chuyển sang sử dụng lao động giá rẻ, tay nghề thấp, ít cải tiến máy móc công nghệ cũng như nâng cao tay nghề cho người lao động, dẫn đến NSLĐ giảm.
“Chính phủ Việt Nam đã thất bại trong việc nâng cấp ngành theo NSLĐ”, TS. Nguyễn Đức Thành phân tích: “Các doanh nghiệp FDI coi Việt Nam là nơi diễn ra các công việc đơn giản. Họ không đầu tư công nghệ cũng như đào tạo, nâng cao trình độ cho người lao động. Nếu tiền lương tiếp tục tăng, các FDI sẽ đơn giản là rời khỏi Việt Nam tạo nên tình huống bẫy thu nhập trung bình điển hình”.
Đối với khu vực kinh tế tư nhân, NSLĐ vẫn còn thấp do nguồn lực về vốn ít và không được nhiều ưu đãi như các doanh nghiệp nhà nước. “Cần một thời gian dài để khu vực này tích lũy vốn, và Nhà nước cần tạo ra môi trường kinh doanh ổn định hơn, giảm những phiền nhiễu gây cản trở cho sự phát triển”, ông Thành khuyến nghị.
NSLĐ trong khu vực kinh tế nhà nước có vẻ là điểm sáng nhất, khi tiếp tục tăng trưởng hơn so với 2 khu vực kinh tế trên. Các DNNN đã thực hiện nhiều cuộc cải cách, tinh gọn bộ máy, cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp nên NSLĐ tăng lên. Song, theo ông Nguyễn Đức Thành, nguyên nhân của việc luôn đạt tăng năng suất lao động cao ngay cả trong thời kỳ Covid – 19, khi các khu vực tư nhân và FDI gặp khó khăn là do được ưu đãi sử dụng vốn lớn và có nhiều sự bảo hộ từ Chính phủ.
“Tuy NSLĐ tăng cao, nhưng khu vực kinh tế nhà nước không phải là hình mẫu lý tưởng cần nhân rộng ra trong nền kinh tế”, ông Thành khẳng định: “Họ được rất nhiều ưu đãi và chiếm dụng vốn rất lớn”.
Trước đó, thông tin tại Hội thảo do của Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức hồi đầu tháng 4 cho biết, khu vực kinh tế nhà nước được sử dụng 60% ngân sách nhưng chỉ tạo ra 40% GDP so với khu vực kinh tế khác nên chưa đạt hiệu quả cao như mong đợi.
Ở Hội thảo đó, 12 đại án doanh nghiệp nhà nước nhằm minh bạch và cải thiện bộ máy quản lý để tăng hiệu quả kinh tế đã được các chuyên gia phân tích. Nhưng khi được hỏi, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện chiến lược cạnh tranh chỉ ngao ngán cho rằng ông “vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm” đâu cả!
Theo ông Nguyên Đức Thành, khi Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của công nghiệp hóa sản xuất hàng may mặc, dày dép và các thiết bị điện tử để xuất khẩu dưới sự hướng dẫn và quản lý của nước ngoài, cần phải đạt được hiệu suất cao để có thể gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sau đó dần dần nâng cấp từ ‘giá rẻ, phổ thông’ thành ‘hàng chất lượng cao, thượng lưu’. Mục tiêu cuối cùng các quốc gia nên hướng tới là trở thành nước tạo ra các hàng hóa dịch vụ mới, có khả năng đáp ứng được đòi hỏi khắt khe trên toàn cầu, từ đó mang lại lợi nhuận cao cho những người phát minh và thương mại hóa chúng.
Ông Phạm Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI cho rằng, tăng năng suất lao động cần gắn với phát triển kinh tế bền vững. “Chúng ta không tăng năng suất bằng mọi giá”.
Hiện nay, Việt Nam chưa có đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm về năng suất lao động mà chia đều cho 3 cơ quan là Bộ Lao động, Bộ Công thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cần thành lập một Ban quản lý chịu trách nhiệm năng suất lao động ở Việt Nam.