Khảo sát từ Đại học Stanford đã vén màn một thực trạng đáng lo ngại: cứ 10 kỹ sư công nghệ tại Thung lũng Silicon thì có một người gần như không làm việc, được gọi là kỹ sư ma. Đây là hậu quả từ làn sóng tuyển dụng ồ ạt của các công ty công nghệ trong thời kỳ đại dịch.
Nghiên cứu do Yegor Denisov-Blanch, chuyên gia tại Đại học Stanford, thực hiện đã đưa ra con số đáng chú ý: 9,5% nhân viên công nghệ tại Thung lũng Silicon hoạt động dưới mức 10% năng suất trung bình của đồng nghiệp. Dữ liệu này được thu thập từ hơn 50.000 nhân viên tại hàng trăm công ty, thông qua công cụ phân tích mã nguồn trên GitHub.
Kỹ sư phần mềm là một hộp đen, Denisov-Blanch nhận định. Hiệu suất của họ rất khó đo lường. Một người chỉ viết một dòng code phức tạp có thể mang lại giá trị lớn hơn một người viết 1.000 dòng code đơn giản.
Công cụ của Denisov-Blanch tập trung đánh giá chất lượng code dựa trên khả năng bảo trì, độ phức tạp và tính khả thi khi triển khai. Tuy nhiên, ông thừa nhận tỷ lệ kỹ sư ma 9,5% có thể bị phóng đại hoặc đánh giá thấp do hạn chế trong phạm vi nghiên cứu.
Theo nhà đầu tư công nghệ Keith Rabois, hàng nghìn nhân viên tại Thung lũng Silicon đang làm những công việc ảo, hữu danh vô thực. Ông cho rằng điều này bắt nguồn từ việc các công ty tuyển dụng ồ ạt trong đại dịch để đáp ứng các chỉ số tăng trưởng không thực chất.
Một số công ty còn lôi kéo kỹ sư tài năng không phải vì cần thiết, mà để ngăn họ làm việc cho đối thủ. Tuy nhiên, khi thị trường điều chỉnh sau đại dịch, hàng loạt đợt sa thải đã diễn ra, nhằm cắt giảm những vị trí không giá trị.
Elon Musk là một trong những người tiên phong trong việc xử lý kỹ sư ma. Sau khi tiếp quản Twitter nay là X, ông đã sa thải 80% nhân sự mà không gây gián đoạn dịch vụ. Musk cho biết, cách tiếp cận này có thể được áp dụng rộng rãi, kể cả trong lĩnh vực quản lý công.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với Wall Street Journal, Musk nhấn mạnh: Nếu nhân viên không xuất hiện tại văn phòng, người đóng thuế Mỹ không có lý do để trả tiền cho họ.
Tình trạng kỹ sư ma không chỉ đặt ra bài toán hiệu quả lao động, mà còn cảnh báo về sự lãng phí nguồn lực trong ngành công nghệ. Khi Thung lũng Silicon tiếp tục phát triển, việc tối ưu hóa nhân sự sẽ trở thành yếu tố sống còn để duy trì tính cạnh tranh và đổi mới.