Theo Báo cáo, việc xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 dựa trên các căn cứ như: Tăng trưởng kinh tế 6-6,5%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu khoảng 5,2%; Giá dầu thô 60 USD/thùng.
Dự kiến dự toán tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2022 là 1.411,7 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 3,4% so với ước thực hiện năm 2021. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 15,1%GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 12,7%GDP. Dự kiến, tổng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 là 1.784,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% so dự toán năm 2021.
Dự kiến bội chi ngân sách nhà nước là 372,9 nghìn tỷ đồng, khoảng 4%GDP; nợ công đến cuối năm 2022 khoảng 43-44%GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ bằng khoảng 21-22% tổng thu ngân sách nhà nước.
Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 hướng đến mục tiêu tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước để phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19, tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, phát huy sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương. Đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước.
Tại bản Báo cáo này, Bộ Tài chính cũng công khai tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021; dự kiến kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024 và giải pháp triển khai thực hiện.
Theo đó dự báo môi trường khu vực, thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định: nợ công và nợ của khu vực tư nhân toàn cầu tăng, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng; nhất là tác động nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19 tới tăng trưởng kinh tế thế giới, tạo ra những rủi ro về chính trị - xã hội, cân đối tài chính - tiền tệ,...
Đối với nước ta, điểm thuận lợi vẫn là tình hình chính trị ổn định, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, môi trường đầu tư được cải thiện, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân, trở thành điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã và đang tạo thêm nhiều khó khăn, thách thức đối với mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, tiếp tục tạo áp lực lớn đối với thu, chi và cân đối ngân sách nhà nước của Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2024. Bên cạnh đó, những yếu kém nội tại của nền kinh tế chưa được xử lý hiệu quả; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp, độ mở nền kinh tế cao; mức độ tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, khu vực và năng lực tiếp cận nền kinh tế số, xã hội số còn hạn chế;...
Dự kiến thu ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024 phấn đấu khoảng 4,65 triệu tỷ đồng; tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân khoảng 15,1%GDP (từ thuế, phí gần 13%). Tiếp tục cơ cấu lại thu, tỷ trọng thu nội địa đến năm 2024 đạt gần 85% tổng thu ngân sách nhà nước.
Về chi ngân sách nhà nước dự kiến khoảng 5,8 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã và đang tạo ra những thách thức đối với Kế hoạch ngân sách nhà nước trung hạn 3 năm 2022 - 2024.
Về bội chi ngân sách nhà nước, nợ công: tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2022 - 2024 khoảng 3,8%GDP. Nợ công đến năm 2024 khoảng 43 - 44%GDP.
Đây là năm thứ 8 liên tiếp Bộ Tài chính xuất bản Báo cáo ngân sách dành cho công dân kể từ năm ngân sách 2015. Việc công khai Báo cáo ngân sách nhà nước dành cho công dân hàng năm nhằm thúc đẩy công khai, minh bạch ngân sách ở Việt Nam thông qua đánh giá của các tổ chức minh bạch quốc tế.