Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn của thế giới, cung ứng nhiều mặt hàng đa dạng với chất lượng ngày càng cao và giá cả cạnh tranh. Sau đại dịch và những bất ổn địa chính trị, nhiều tập đoàn và kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang tích cực thực hiện chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo nguồn cung bền vững. Việt Nam đã được chọn là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của nhiều nước trong khu vực. Việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và phát triển thị trường là những yếu tố then chốt để doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, những biến động và gián đoạn liên tục trong chuỗi cung ứng đang đặt ra thách thức lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải linh hoạt và thích ứng nhanh chóng. Diễn đàn đã góp phần nhận diện các xu hướng đem lại nhiều cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam; tận dụng được cơ hội và giải quyết được thách thức sẽ thúc đẩy nền kinh tế thích ứng nhanh chóng, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ toàn cầu, đồng thời phát triển theo hướng bền vững, xanh và thân thiện với môi trường.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch VCCI ông Hoàng Quang Phòng nhận định, đa dạng chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị không chỉ yêu cầu khách quan mà còn là định hướng quan trọng của Đảng, Chính phủ. Với tham vọng vươn lên trong chuỗi giá trị, Việt Nam có cơ hội đặc thù để khai thác vị trí của mình trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
Mục tiêu của Chính phủ là phát triển các mạng lưới nhà cung cấp cấp một (trực tiếp) và nhà cung cấp cấp hai, cấp ba (cung cấp gián tiếp cho nhà sản xuất) trong nước, kết nối với các khâu lắp ráp cuối cùng với kỳ vọng hướng các doanh nghiệp chuyển sang sản xuất sản phẩm phức tạp hơn và đa dạng hóa “giỏ” hàng hóa xuất khẩu.
Theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong khoảng 800.000 doanh nghiệp tư nhân trong nước đang hoạt động, doanh nghiệp lớn chiếm chưa đến 2%, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Vấn đề chính với các khu vực này là thiếu kỹ năng quản lý, ít đổi mới công nghệ, khả năng tiếp cận tài chính còn rất nhiều hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho biết 5 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế ghi nhận bước tăng trưởng ấn tượng. Tình hình sản xuất công nghiệp phát triển mạnh, trong đó, chế biến chế tạo tăng 10,6%, sản xuất công nghiệp và phân phối điện tăng 11,4%, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,4%. Trong khi đó, Khai khoáng giảm 9,4%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đều tăng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 16,6%, đây là mức tăng cao, thậm chí tăng mạnh mẽ so với các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, thương mại Việt Nam cũng gặp một số thách thức. Mặc dù chuỗi cung ứng đã dần được tái cấu trúc, nhưng thực tế đa số các doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam còn nhỏ lẻ, chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị. Theo số liệu của Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng.
Việc ứng dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là thương mại điện tử vẫn chưa được tận dụng triệt để khiến các mô hình kinh doanh xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận chậm với thị trường tiêu thụ, quá trình thông thương hàng hóa chậm, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu.
Từ thực tế, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ đã ban hành một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 đã và đang được triển khai quyết liệt nhằm tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp… nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa kinh tế - xã hội phát triển.
Thực tế cho thấy, tạo điều kiện thuận lợi và có các giải pháp tập trung tháo gỡ “rào cản” kỹ thuật để doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới; tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi và tuyên truyền, hướng dẫn về quy tắc xuất xứ và cấp C/O, tự chứng nhận xuất xứ… Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, góp phần giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam…
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận cởi mở về các giải pháp nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp. Trong đó, nhiều giải pháp cụ thể được đề xuất như: đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, gia tăng năng lực sản xuất mới nhằm chủ động tạo nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu, đáp ứng nhu cầu sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Tập trung kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu, tạo thị trường cho các ngành công nghiệp phát triển. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, đặc biệt thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu.
Tạo điều kiện thuận lợi và có các giải pháp tập trung tháo gỡ “rào cản” kỹ thuật để doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới; tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi và tuyên truyền, hướng dẫn về quy tắc xuất xứ và cấp C/O, tự chứng nhận xuất xứ… Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, góp phần giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu…