Theo đó, Reuter đưa tin trích nguồn từ Thông tấn xã Việt Nam việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh tại cuộc họp hôm thứ Năm để tránh gián đoạn chuỗi sản xuất ở các tỉnh. Các tỉnh này là tâm chấn của đợt bùng phát COVID-19 đã khiến 1.835 người bị nhiễm bệnh kể từ cuối tháng 4, trong đó có hàng trăm công nhân nhà máy.
Thứ Ba tuần này, Bắc Giang đã yêu cầu bốn khu công nghiệp, trong đó có ba khu có cơ sở sản xuất của Foxconn, tạm thời đóng cửa do dịch bệnh bùng phát.
Tại tỉnh Bắc Ninh và vùng lân cận, 378 trường hợp nhiễm bệnh đã được phát hiện trong đợt bùng phát mới nhất, bao gồm cả các trường hợp được phát hiện tại các cơ sở sản xuất của Samsung và Canon, theo thống kê của Bộ Y tế.
Bà Nguyễn Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, cho biết tỉnh đang cố gắng giữ cho các cơ sở sản xuất công nghiệp của mình thông thoáng bằng cách triển khai các biện pháp như truy tìm mối liên hệ, tiến hành thêm xét nghiệm COVID-19 và chuẩn bị hai bệnh viện dã chiến. Bà Giang cho biết cả hai tỉnh đang cố gắng tránh làm gián đoạn chuỗi sản xuất của các công ty đa quốc gia như Samsung "để đạt được mục tiêu kép là chống lại sự bùng phát của dịch bệnh và phát triển nền kinh tế".
Trong một tuyên bố, Samsung Electronics Việt Nam cho biết họ đang nỗ lực hết sức để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của nhân viên và giảm thiểu tác động của đợt bùng phát đối với hoạt động của công ty. "Chúng tôi sẽ ủng hộ và tuân thủ nghiêm ngặt chính sách của chính phủ Việt Nam nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19 trong khu vực càng sớm càng tốt".
Nguồn tin của Reuters cũng trích dẫn Phó chủ tịch tỉnh Vương Quốc Tuấn về việc, Canon sẽ được phép mở lại cơ sở sản xuất tại Bắc Ninh từ thứ Hai sau khi bị lệnh đóng cửa tạm thời vào đầu tháng này.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, vị tư lệnh của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống COVID-19 của Việt Nam, cho biết các công ty có các biện pháp an toàn thích hợp có thể hoạt động trở lại để tránh tác động xấu đến nền kinh tế. "Các công nhân có thể thử lấy mẫu của chính họ để xét nghiệm nhanh, dưới sự giám sát của các quan chức y tế".
Được biết, tính đến hôm qua, 20 tháng 5, đã có hàng loạt hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng như Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam, Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Da giày và Túi xách, Hiệp hội gỗ,... đã gửi công văn kiến nghị lên Chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc chung tay hỗ trợ Chính phủ khẩn trương mua vắc xin và đưa người lao động của các doanh nghiệp vào đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin, nhằm đảm bảo mục tiêu kép của Chính phủ là vừa đảm bảo đẩy lùi dịch bệnh vừa đảm bảo phát triển kinh tế.
Quan điểm của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khi kiến nghị lên Chính phủ là việc mua và tiêm vắc xin toàn dân cần được thực hiện quyết liệt, khẩn trương, xã hội hóa và là giải pháp căn cơ để đảm bảo giúp cho đất nước ổn định kinh tế và giữ vững vị thế cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, đảm bảo không làm đứt gãy chuỗi cung ứng mà Việt Nam là một mắt xích quan trọng.