ARM đã đình chỉ việc kinh doanh với Huawei, đe dọa lớn tới mảng sản xuất vi xử lý riêng của công ty Trung Quốc. Đầu tuần này, các nhân viên của ARM nhận được hướng dẫn dừng tất cả các hợp đồng, quyền lợi hỗ trợ và bất kỳ cam kết nào đang hoạt động với Huawei.
Động thái mới của công ty có trụ sở tại Anh và thuộc sở hữu của tập đoàn SoftBank (Nhật Bản) - ARM - gây nhiều bất ngờ khi bởi chính quyền của ông Trump vốn chỉ cấm các công ty Mỹ làm ăn với Huawei khi chưa có được sự đồng ý của chính phủ Mỹ.
Thực tế, ARM bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm do tồn tại bản ghi nhớ nội bộ ghi rõ thiết kế chip của hãng bao gồm các công nghệ đi kèm có nguồn gốc từ Mỹ. ARM phát triển và thiết kế một số bộ xử lý ở Austin, Texas và San Jose, California (Mỹ). Điều này khiến công ty bắt buộc phải tuân theo quy định mới về việc cấm giao dịch, hoạt động với Huawei của Mỹ.
Một nhà phân tích đã mô tả về động thái này rằng, nếu sự việc kéo dài, sẽ trở thành một chướng ngại "không thể vượt qua nổi" đối với hoạt động kinh doanh của Huawei. Ông cho biết động thái của ARM sẽ tác động sâu sắc đến khả năng tự phát triển và sản xuất các dòng chip riêng của Huawei. Nhiều bộ vi xử lý do Huawei phát triển được xây dựng dựa trên công nghệ nền tảng do ARM cung cấp, và phía Huawei phải trả tiền để có giấy phép sử dụng chúng.
Trước đây, ARM được coi là công ty công nghệ lớn nhất Anh quốc, cho tới khi bị mua lại bởi một quỹ đầu tư Nhật Bản. Công ty có trụ sở tại thành phố Cambridge này có 6000 nhân viên và 8 văn phòng đại diện tại Mỹ.
Trong một thông báo được đưa ra sau sắc lệnh của Tổng thống Mỹ, ARM cho biết hãng sẽ "tuân thủ một quy định mới nhất của chính phủ Hoa Kỳ", nhưng từ chối bình luận chi tiết.
Đại diện của phía Huawei cho biết công ty "chưa thể đưa ra bình luận ở thời điểm này".
Trang tin Sina của Trung Quốc cho biết Huawei nhấn mạnh rằng họ "hoàn toàn có thể thiết kế bộ xử lý ARM một cách độc lập, làm chủ công nghệ cốt lõi và có khả năng phát triển độc lập bộ xử lý ARM trong một thời gian dài, độc lập với môi trường bên ngoài." Nói một cách khác, kể cả khi ARM bị ép buộc không cấp phép tập lệnh cho Huawei nữa thì Huawei sẽ vẫn không bị ảnh hưởng.
Cứ cho rằng Huawei có thể sản xuất được chip, nhưng về đường dài thì Huawei vẫn cần đến ARM
Cần nhấn mạnh rằng những thông tin trên được Huawei đưa ra từ hồi đầu năm nay. Kể từ thời điểm đó cho đến bây giờ, mọi thứ đã thay đổi theo chiều hướng trái ngược hoàn toàn. Ngoại trừ Huawei, ARM và chính phủ hai nước, không một ai có thể đưa ra thông tin chính xác hoàn toàn về tầm ảnh hưởng của lệnh cấm mới được ban bố và liệu Huawei có thể tiếp tục sản xuất chip với công nghệ của ARM hay không.
Mặc dù vậy, về tầm nhìn lâu dài, Huawei sẽ vẫn cần đến ARM. Hãy cứ cho rằng Huawei đã có được bản quyền vĩnh viễn của ARMv8 và có thể sản xuất chip dựa trên kiến trúc này trong một khoảng thời gian nữa - nhưng rồi đến một lúc nào đó, ARM cũng sẽ tung ra một thiết kế mới thay thế cho ARMv8. Lúc này, Huawei sẽ cần phải hợp tác với ARM để không chỉ mua bản quyền, mà còn là để tích hợp vào sản phẩm của mình. Và, Huawei sẽ không thể làm được điều đó nếu như lệnh cấm của Chính phủ Mỹ còn hiệu lực.
Vậy nên, ở thời điểm hiện tại, giải quyết mối quan hệ với các đối tác và đặc biệt là Chính phủ Mỹ vẫn là ưu tiên hàng đầu của Huawei.