Động thái kiểm soát chưa từng có này áp dụng với toàn bộ dịch vụ kỹ thuật số hoạt động tại EU, buộc các công ty chịu trách nhiệm pháp lý với những nội dung xấu như tin giả, thao túng người tiêu dùng hoặc hoạt động tội phạm trên nền tảng của mình.
DSA được chia thành nhiều cấp độ, trong đó những yêu cầu chặt chẽ nhất sẽ áp dụng với 17 tập đoàn công nghệ được mô tả là "nền tảng trực tuyến cực lớn" như Facebook và Amazon, cùng hai "công cụ tìm kiếm cực lớn" là Google và Bing. Đây là những nền tảng có hơn 45 triệu người dùng thường xuyên tại EU.
Hàng loạt công ty Internet lớn bao gồm Facebook, Instagram của Meta, ứng dụng TikTok do Trung Quốc sở hữu cùng một số dịch vụ của Google đang tìm cách thích nghi với quy định mới của nhà chức trách, chẳng hạn như ngăn chặn lan truyền nội dung độc hại, cấm hoặc hạn chế một số hoạt động nhắm mục tiêu người dùng và chia sẻ dữ liệu nội bộ với cơ quan quản lý cũng như các nhà nghiên cứu.
Những doanh nghiệp không tuân thủ quy định sẽ đối mặt với những khoản phạt khổng lồ, lên tới hàng trăm triệu euro, và có nguy cơ bị cấm hoạt động.
EU đang được coi là dẫn đầu toàn cầu về quản lý công nghệ có phạm vi rộng với nhiều bộ luật như Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số và Đạo luật AI. Thành công trong triển khai thực hiện các quy định quản lý mới của khối sẽ tác động tới quá trình xây dựng các dự luật tương tự trên toàn cầu.
Trong vài tháng qua, Ủy ban Châu Âu cho biết họ đã đề nghị 19 nền tảng công nghệ hàng đầu tiến hành "các bài kiểm tra căng thẳng" trong khuôn khổ DSA. Đại diện Uỷ ban cho biết, thử nghiệm nhằm đánh giá liệu các nền tảng này có thể “phát hiện, giải quyết và giảm thiểu rủi ro hệ thống, chẳng hạn như thông tin sai lệch hay không”. Ít nhất 5 nền tảng đã tham gia vào các thử nghiệm, trong đó có Facebook, Instagram, Twitter, TikTok và Snapchat.
Các quy định của DSA xoay quanh năm vấn đề then chốt. Đầu tiên là sản phẩm phi pháp, trong đó nền tảng phải đối phó với hoạt động mua bán sản phẩm, dịch vụ trái phép. Chịu ảnh hưởng lớn nhất là Amazon và Facebook Marketplace.
Thứ hai, nhà quản lý EU yêu cầu Big Tech ngăn chặn nội dung bất hợp pháp, trong đó có tin giả, can thiệp bầu cử, tội phạm thù ghét, quấy rối và lạm dụng trẻ em trên mạng.
Big Tech cũng bị cấm chạy quảng cáo hướng vào trẻ em dựa trên dữ liệu cá nhân, đồng thời phải tái thiết kế hệ thống để bảo đảm "mức độ riêng tư, bảo mật và an toàn cao cho trẻ nhỏ". Họ cũng cần chứng minh với Ủy ban châu Âu (EC) về những động thái đã được tiến hành.
Những doanh nghiệp vận hành mạng xã hội sẽ không được sử dụng dữ liệu cá nhân, như chủng tộc, giới tính và tôn giáo của người dùng để chạy quảng cáo hướng đối tượng.
Cuối cùng, EU cấm hoàn toàn những biện pháp thao túng và khuyến khích người tiêu dùng mua những thứ mà họ không cần. Kết quả thanh tra 399 cửa hàng trực tuyến do giới chức tiêu dùng tại các nước thành viên EU tiến hành trong năm 2023 cho thấy 40% trong số này dựa vào "các thủ đoạn thao túng để lợi dụng điểm yếu hoặc đánh lừa người tiêu dùng".
Thay đổi chính từ các quy định mới của EU là việc các ‘ông lớn’ công nghệ đang mất độc quyền về cách thiết kế dịch vụ và diễn giải các quy tắc mà họ đặt ra cho người dùng”, Martin Husovec, giáo sư luật tại Trường Kinh tế London, nói
Google đang nghiên cứu một màn hình có sự lựa chọn cho các trình duyệt internet trên điện thoại thông minh, một yêu cầu mà EU hy vọng sẽ mở ra sự cạnh tranh với trình duyệt Chrome được sử dụng phổ biến của công ty này. Apple đang phát triển cách để người dùng cài đặt các ứng dụng trên iPhone của họ từ bên ngoài cửa hàng App Store, nhằm tuân thủ một điều khoản yêu cầu mở cửa mô hình kinh doanh di động của công ty.
Meta đang xây dựng các công cụ để thông báo cho người dùng và cho phép họ khiếu nại trong một số trường hợp khi nội dung của không bị xóa. Đó là theo một quy tắc minh bạch mới mà các chuyên gia cho rằng có thể dẫn đến những thay đổi về cách thức và thời điểm các công ty can thiệp vào nền tảng của họ.
Amazon.com đã thiết lập một kênh mới để khách hàng cảnh báo các sản phẩm và nội dung có khả năng bất hợp pháp, đồng thời công bố thêm thông tin về người bán bên thứ ba của nền tảng thương mại điện tử này. Và TikTok sẽ cung cấp cho người dùng tùy chọn hiển thị video dựa trên mức độ phổ biến tại địa phương của họ, thay vì cá nhân hóa chúng dựa trên dữ liệu về người dùng, chẳng hạn như những video mà người dùng đã xem.
Hiện một số nền tảng được loại khỏi danh sách chịu đạo luật mới đáng chú ý có eBay, Airbnb, Netflix.
Với việc áp dụng Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số, EU hy vọng sẽ khiến hoạt động của các công ty công nghệ trở nên dễ được chấp nhận và hòa hợp với xã hội. Điều này nhằm giảm tác hại của các hệ thống gợi ý theo thuật toán đối với người dùng.
Mục tiêu cuối cùng của đạo luật mới sẽ là bất cứ công ty nào cung cấp dịch vụ kỹ thuật số ở EU đều phải tuân thủ đạo luật.