Sáng 14/7, phát biểu tại hội nghị bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, cho biết trong năm nay sẽ có văn bản mới thay thế Quy định 50 về quy hoạch cán bộ. Việc lập quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ tới có nhiều điểm mới.
Bộ Chính trị sẽ quyết định và quản lý tổng biên chế toàn hệ thống chính trị, cũng như chủ trương lớn về việc này.
Lâu nay, biên chế Chính phủ, Quốc hội do các đơn vị này quyết; Ban tổ chức Trung ương chỉ quản lý Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị, ban đảng cấp Trung ương; cấp huyện, cơ sở thì Chính phủ quyết. Vấn đề này đang được tính toán, sắp xếp lại.
Liên quan đến chủ trương biên chế, bà Mai cho biết về cơ bản tiếp tục thực hiện Nghị quyết 39/2015 của Bộ Chính trị theo hướng giảm nhưng cơ cấu lại.
Cụ thể sau khi đã giảm 10% biên chế đến năm 2021 sẽ tiếp tục giảm 5% cho giai đoạn 2022-2026. Bà Mai khẳng định 5% biên chế tinh giản này sẽ không cào bằng, không máy móc mà phù hợp với nhiệm vụ, tùy theo điều kiện của từng tổ chức, cơ quan.
Phân cấp về biên chế sẽ được thực hiện mạnh hơn, thường vụ cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị toàn quyền quyết định. Việc giao tương tự cấp ngân sách. Sau khi được giao số biên chế, các đơn vị sẽ tính toán từng nơi, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị. Địa phương quản lý biên chế toàn diện, không phân thành hai, ba nhánh như hiện nay. Thường vụ cấp ủy chịu trách nhiệm về toàn bộ số biên chế quản lý, chỗ nào tăng, giảm, giữ nguyên.
Theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương, năm 2026 sẽ cố gắng chuyển thêm một bước là biên chế được quyết định hoàn toàn dựa trên vị trí việc làm, chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan. “Khi nào làm được như vậy thì số biên chế mới chuẩn mực. Cần đi thêm mấy nhịp nữa mới thực hiện được”, bà Mai nói.
Việc tinh giản sẽ được thực hiện đồng thời với cơ cấu lại đội ngũ, vì nếu chỉ tinh giản mà không cơ cấu thì “chỉ giảm mà không mạnh, cũng là máy móc”.
Theo kết luận của Bộ Chính trị tháng 2/2022, tổng biên chế đến tháng 6/2021 giảm 20% so năm 2015.