Sau khi bị Mỹ đưa vào "danh sách đen" và áp dụng nhiều các lệnh cấm khác nhau, Huawei cũng bị Google loại bỏ khỏi danh sách cấp phép sử dụng Android. Do đó, Huawei đã phải tự đầu tư nghiên cứu hệ điều hành riêng trong thời gian qua và theo các thông tin mới nhất gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc sẽ sớm ra mắt smartphone chạy hệ điều hành Harmony OS.
Được giới thiệu từ tháng 8 năm ngoái, HarmonyOS được xem là giải pháp để Huawei thay thế Android trên smartphone của hãng. Tuy nhiên, đến nay, HarmonyOS mới được sử dụng trên một số mẫu smartTV của Huawei mà chưa được trang bị trên smartphone.
Harmony OS là tên quốc tế của hệ điều hành HongMeng, do Huawei phát triển nhiều năm qua. Chỉ sau khi Google dừng cung cấp Android, người ta mới bắt đầu chú ý nhiều hơn tới Harmony OS, coi đây là nỗ lực của Huawei để độc lập, tránh phụ thuộc Android.
Một trong những nguyên do của sự chậm trễ này là vì sự khan hiếm của ứng dụng. Yếu tố quan trọng hàng đầu của một nền tảng di động để lôi kéo người dùng đó là có kho ứng dụng đa dạng, đáp ứng đủ nhu cầu công việc và giải trí của người dùng.
Vào ngày 7/8 vừa qua, tại hội nghị về công nghệ thông tin tại Trung Quốc, ông Yu Chengdong – Giám đốc điều hành mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei đã hé lộ rằng, tất cả những thiết bị smartwatch của Huawei ra mắt trong năm nay sẽ đều được chạy hệ diều hành Harmony OS.
Ngoài ra, đại diện của Huawei cũng cho biết, chỉ mất một vài ngày để chuyển đổi hoàn toàn từ Android sang hệ thống của riêng họ. Còn nhớ, tại triển lãm công nghệ IFA diễn ra vào tháng 9 năm ngoái, Yu Chengdong tuyên bố rằng, nếu họ không thể tiếp tục sử dụng các dịch vụ của Google thì họ sẽ chuyển qua HMS.
Cuối cùng, Yu Chengdong tuyên bố, hệ sinh thái HMS hiện chỉ đứng sau Android và iOS, nằm trong 3 hệ sinh thái hàng đầu thế giới. Với sự phát triển không ngừng, HMS của Huawei thậm chí còn có thể trở thành hệ sinh thái phổ biến nhất toàn cầu trong tương lai. Ngoài ra, AppGallery (chợ ứng dụng) được tích hợp vào HMS cũng là kho ứng dụng thứ 3 trên thế giới, sau App Store và Play Store.
Tuần trước, Giám đốc viện nghiên cứu chiến lược của Huawei Xu Wenwei đã cho biết HMS hiện đã có hơn 1,6 triệu nhà phát triển ứng dụng và có hơn 800.000 ứng dụng. Xu Wenwei khẳng định con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên nhanh chóng.
Cũng như Android, Huawei sẽ lựa chọn phát triển HarmonyOS theo hướng mã nguồn mở để có thể được sự đóng góp xây dựng của cộng đồng.
Sử dụng nền tảng HarmonyOS với hệ sinh thái di động của riêng mình, Huawei sẽ tránh được sự phụ thuộc vào Google. Vấn đề đặt ra là làm sao để Huawei có thể lôi kéo được người dung, khi mà một nền tảng di động hoàn toàn mới có thể cạnh tranh được với Android và iOS vào thời điểm hiện tại là điều không hề dễ dàng gì.
Trước Huawei, Samsung cũng đã từng phát triển nền tảng Tizen với tham vọng thay thế Android và giảm phụ thuộc vào Google, nhưng kế hoạch này cũng đã thất bại và Samsung phải tiếp tục gắn bó với Android cho đến hiện tại.