Mạng di động thế hệ thứ năm (5G) đang dần trở thành chuẩn mực mới trong viễn thông, mang lại tốc độ truyền dữ liệu siêu nhanh và độ trễ thấp cho hàng triệu người dùng. Tuy nhiên, nhược điểm của 5G là cần một mạng lưới trạm gốc dày đặc để đảm bảo vùng phủ sóng do diện tích phát sóng hạn chế hơn so với thế hệ trước. Điều này tạo ra thách thức về không gian và mỹ quan, đặc biệt tại các khu vực đông dân cư hoặc có nhiều tòa nhà cao tầng.
Nhằm khắc phục vấn đề này, các công ty Nhật Bản đã phát triển WaveAntenna – một loại ăng-ten trong suốt có thể lắp đặt trực tiếp trên cửa sổ hoặc mặt kính của tòa nhà. Thiết bị này hoạt động như một trạm gốc 5G thu nhỏ, có khả năng chia sẻ cho nhiều nhà mạng sử dụng mà không làm ảnh hưởng đến thiết kế hay cảnh quan của ngôi nhà.
WaveAntenna được gắn bên trong bề mặt cửa sổ, gần đỉnh hoặc mép kính, và gần như vô hình nếu không để ý kỹ. Công nghệ này tương thích với băng tần Sub-6 của 5G – một tần số có tốc độ truyền tải thấp hơn nhưng có khả năng phủ sóng xa và xuyên qua vật cản tốt hơn so với mmWave, một băng tần cao cấp hơn nhưng giới hạn về phạm vi phát sóng.
Theo thông tin từ JTower, một công ty truyền thông tại Tokyo, họ đã hợp tác cùng AGC và nhà mạng NTT Docomo để lắp đặt các ăng-ten kính đầu tiên tại quận Shinjuku của Tokyo. Đây được coi là lần đầu tiên trên thế giới, một loại ăng-ten trong suốt biến cửa sổ thành trạm gốc 5G được triển khai thực tế.
"Với WaveAntenna, chúng tôi có thể biến khu vực quanh cửa sổ thành vùng phủ sóng 5G mà không làm hỏng cảnh quan đô thị hay ngoại thất của tòa nhà", ông Shota Ochiai, quản lý tiếp thị của AGC, chia sẻ với IEEE Spectrum.
WaveAntenna hiện tối ưu hóa cho băng tần từ 3,7 đến 4,5 GHz, cho phép cung cấp băng thông đáng kể, dù chưa thể so sánh với tốc độ của mmWave (10-50 GHz). Tuy nhiên, tại Mỹ, các nhà mạng như Verizon và AT&T vẫn đang sử dụng các băng tần tương tự cho mạng 5G của họ.
Việc sử dụng ăng-ten trong suốt không chỉ giúp mở rộng mạng lưới 5G một cách dễ dàng và tiết kiệm chi phí hơn, mà còn mang lại tiềm năng lớn cho các khu đô thị. Thay vì phải xây dựng các trạm gốc truyền thống có thể gây ảnh hưởng đến mỹ quan và chiếm diện tích, các tòa nhà có thể trở thành các trạm phát sóng tiềm năng.
Tuy nhiên, theo nhận định của PhoneArena, sự ra đời của công nghệ này cũng có thể gây ra thách thức cho các tập đoàn lớn đang dẫn đầu trong sản xuất trạm gốc 5G như Samsung, Huawei, Ericsson, Intel, Nokia, Qualcomm, ZTE và NEC. Việc chuyển hướng sang các giải pháp ăng-ten trong suốt có thể đẩy nhanh quá trình phổ biến 5G, đồng thời làm thay đổi cục diện thị trường viễn thông toàn cầu.