Giám đốc điều hành OpenAI, ông Sam Altman, cho biết công ty sáng tạo ra ứng dụng ChatGPT này không có kế hoạch rời khỏi châu Âu.
Bình luận này trái ngược với lời đe dọa hồi đầu tuần này về việc rời khỏi châu Âu nếu việc tuân thủ các quy định sắp tới về trí tuệ nhân tạo (AI) trở nên quá khó khăn.
Trong một dòng tweet hôm 26/5, ông Altman cho biết Open AI rất vui mừng được tiếp tục hoạt động tại châu Âu và tất nhiên không có kế hoạch rời đi.
Dự thảo đạo luật AI trên toàn EU đã được phát triển trong nhiều năm. Vào năm 2020, các đại diện của Apple, Google và Facebook đã vận động hành lang EU về các kế hoạch điều chỉnh AI của họ. Phát biểu về các đề xuất mới nhất tại một sự kiện công nghiệp ở London (Anh), Altman nói OpenAI sẽ cố gắng tuân thủ quy định nếu có thể, nhưng hiện tại dự luật được lên kế hoạch đưa ra những rào cản lớn hơn đối với cái được gọi là hệ thống AI có mục đích chung, chẳng hạn như ChatGPT.
“Có rất nhiều điều họ có thể làm như thay đổi định nghĩa về các hệ thống AI có mục đích chung. Thực sự có rất nhiều thứ có thể được thực hiện”, ông Altman nói.
Trước bất kỳ mối lo ngại nào hiện tại về ChatGPT, điều khiến Apple cấm nhân viên sử dụng nó, EU đã đi trước cuộc chơi nhằm đảm bảo rằng AI có thể trở nên tin cậy hơn. Giám đốc kỹ thuật số Margrethe Vestager của Ủy ban châu Âu vào năm 2021 cho biết: “Về trí tuệ nhân tạo, sự tin tưởng là điều bắt buộc phải có chứ không phải là điều có thể có. Với những quy tắc mang tính bước ngoặt này, EU đang đi đầu trong việc phát triển các tiêu chuẩn toàn cầu mới để đảm bảo AI được tin cậy”.
Tuyên bố của Altman được đưa ra không lâu sau khi ứng dụng ChatGPT chính thức đến với người dùng iPhone và xuất hiện ngày càng nhiều trên các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngày 25/5, OpenAI thông báo sẽ trao 10 khoản tài trợ bằng nhau từ quỹ trị giá 1 triệu USD cho các sáng kiến tìm ra cách thức quản lý AI, cũng như giải quyết các hạn chế của công nghệ này.
Giới phê bình cho rằng những hệ thống AI như ChatGPT có sự thiên vị cố hữu do các yếu tố đầu vào định hình quan điểm của chúng. Người dùng đã tìm thấy các ví dụ về việc AI phân biệt chủng tộc hay giới tính. Không chỉ vậy, việc kết hợp chúng với những công cụ tìm kiếm như Google của Alphabet hay Bing của Microsoft có thể tạo ra những thông tin không chính xác nhưng “có tính thuyết phục cao”.
Bài đăng trên blog thông báo ra mắt quỹ cho hay, khoản tài trợ 100.000 USD sẽ trao cho những người đưa ra được khuôn khổ chung trả lời cho những câu hỏi kiểu như liệu AI có nên chỉ trích nhân vật công chúng hay không, hay thế nào là “cá nhân trung bình” trên thế giới.
Quỹ tài trợ của OpenAI không dành cho mục đích nghiên cứu hệ thống AI - nơi những lập trình viên đang dễ dàng nhận mức lương từ 100 nghìn cho tới hơn 300 nghìn USD.
Các hệ thống AI “sẽ mang lại lợi ích cho toàn nhân loại và được định hình để trở nên toàn diện nhất có thể”, trích bài đăng của startup sở hữu ChatGPT trên blog. “Công ty triển khai dự án tài trợ như một bước đi đầu tiên theo định hướng này”.