Samsung - gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đã trở thành công ty đa quốc gia mới nhất tham gia các biện pháp trừng phạt toàn diện chống lại Nga, nơi thị trường lao dốc và giá trị của đồng rúp giảm mạnh.
Tuy nhiên, bất chấp lệnh cấm vận xuất khẩu đối với Nga, Samsung Electronics vẫn sẽ vận hành các nhà máy địa phương của mình ở đó. “Các chuyến hàng đến Nga đã bị đình chỉ do tình hình địa chính trị hiện nay. Bước tiếp theo sẽ được quyết định sau khi theo dõi cẩn thận tình hình phức tạp”, một quan chức của công ty cho biết.
So với các công ty phương Tây như Apple và Intel, những công ty đã áp đặt lệnh cấm bán hàng hoàn toàn chống lại Nga, Samsung Electronics vẫn thận trọng và nói rằng đây là một “quyết định không thể tránh khỏi do điều kiện xuất khẩu ngày càng trầm trọng hơn”.
Nhà máy sản xuất TV của Samsung Electronics gần Matxcova sẽ tiếp tục sản xuất các sản phẩm vì các linh kiện hiện đang còn trong kho. Tuy nhiên, nếu các lệnh trừng phạt đối với Nga tiếp tục, nhà máy sản xuất TV có thể gặp phải những phức tạp trong sản xuất.
Đồng thời, Samsung Electronics đang đàm phán với một tổ chức quốc tế để quyên góp 6 triệu USD cho Hội Chữ thập đỏ Ukraine bao gồm các thiết bị điện tử tiêu dùng trị giá 1 triệu USD. Các khoản đóng góp tự nguyện từ các nhân viên và giám đốc điều hành của Samsung Electronics cũng sẽ được chuyển đến Ukraine.
Trong khi đó, Mykhailo Federov, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng chuyển đổi kỹ thuật số của Ukraine, gần đây đã gửi thư tới Han Jong-hee, phó chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Samsung Electronics, để “tạm thời ngừng cung cấp dịch vụ và sản phẩm cho Nga, bao gồm cả việc chặn quyền truy cập vào Samsung Pay, Samsung Galaxy Store và Samsung Shop”.
Nga là một thị trường đặc biệt đối với Samsung Electronics. Năm 2020, Samsung Electronics được xếp hạng là thương hiệu được người tiêu dùng Nga yêu thích nhất trong 10 năm liên tiếp, theo Online Market Intelligence. Dữ liệu của Counterpoint Research cho thấy Samsung Electronics là số 1 trên thị trường điện thoại thông minh và TV ở Nga tính đến quý 4 năm ngoái.
Tình yêu của Nga dành cho Samsung Electronics bắt đầu từ năm 1998 khi Nga phá sản do nợ trong nước và tuyên bố hoãn trả nợ nước ngoài trong 90 ngày. Sau lệnh cấm, các công ty lớn của nước ngoài như Sony đã khăn gói rời khỏi thị trường, nhưng các công ty Hàn Quốc bao gồm Samsung Electronics, LG Electronics và Hyundai Motor vẫn ở lại. Nhờ cam kết với thị trường Nga trong thời kỳ khó khăn, khi nền kinh tế Nga phục hồi vào năm 2000, các công ty Hàn Quốc đã được đền bù bằng những người tiêu dùng trung thành trên thị trường.