Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 thi hành từ tháng 7/2014 đã góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, mua sắm bằng nguồn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu đến nay cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết sửa đổi, vừa để khắc phục khó khăn, vướng mắc, vừa để phù hợp với các hiệp định thương mại tự do, huy động hiệu quả hơn nữa các nguồn lực cho phát triển.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), từ năm 2015 đến năm 2020, cả nước có 1.406.754 gói thầu được thực hiện theo Luật Đấu thầu, với tổng giá gói thầu là 3.954.035 tỷ đồng và tổng giá trúng thầu là 3.715.484 tỷ đồng, chênh lệch giữa tổng giá gói thầu và tổng giá trúng thầu (giá trị tiết kiệm) là 238.549 tỷ đồng, tương ứng 6,033%.
Bộ KH&ĐT nhận định, từ năm 2015 đến năm 2020, các gói thầu tăng cả về số lượng, quy mô. Mặc dù tỷ lệ tiết kiệm của cả nước chưa cao, nhưng vẫn có nhiều bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đấu thầu hiệu quả, tỷ trọng về giá trị các gói thầu chỉ định thầu giảm dần theo từng năm; tỷ lệ tiết kiệm của các gói thầu sử dụng vốn nhà nước để duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước tăng cao theo từng năm. Trong năm 2019, 2020, hoạt động đấu thầu tập trung đã được triển khai tốt, tỷ lệ tiết kiệm qua việc mua sắm tập trung của cả nước khá cao (11,59%). Năm 2020 cũng ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của đấu thầu qua mạng, nhiều bộ, ngành, địa phương đều triển khai rất quyết liệt và vượt chỉ tiêu lộ trình được quy định...
Luật Đấu thầu đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh hoạt động đấu thầu qua mạng, tạo chuyển biến toàn diện trong công tác đấu thầu, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu, tạo niềm tin cho các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai hoạt động đấu thầu.
Tuy nhiên, theo ông Trần Hào Hùng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thực tiễn thi hành thời gian qua cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải sửa đổi toàn diện Luật Đấu thầu.
Quá trình triển khai thi hành Luật Đấu thầu 2013 đã phát sinh một số hoạt động mua sắm, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, nhưng chưa được luật này quy định hoặc quy định chưa đầy đủ, như việc lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật xã hội hóa, lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án có từ 2 nhà đầu tư quan tâm...
Bên cạnh đó, sau khi Luật Đấu thầu được ban hành, một số luật liên quan đã được sửa đổi, bổ sung hoặc có quy định khác so với Luật Đấu thầu. Điều đó đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện một số quy định của Luật Đấu thầu, nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tránh mâu thuẫn, xung đột trong quá trình thi hành luật này.
Ông Hùng cho biết, mục tiêu sửa Luật Đấu thầu lần này là nhằm tiếp tục tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật, đơn giản hóa thủ tục đấu thầu, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua hoạt động đấu thầu, thúc đẩy hoạt động mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…
Sửa đổi để phù hợp với “sân chơi” quốc tế
Góp ý hoàn thiện nội dung chính sách của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại hội thảo do Cục Quản lý đấu thầu tổ chức, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, Luật hiện nay chưa cập nhật kịp thời các thông lệ quốc tế trong hoạt động đấu thầu theo các hiệp định mới được ký giữa Việt Nam và các tổ chức quốc tế, như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), dẫn đến còn nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện các điều khoản về đấu thầu, mua sắm.
Vị này cho biết, EVFTA cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với bảo hộ bằng sáng chế, bản quyền hay các quyền độc quyền khác. Do đó, Luật Đấu thầu có thể xem xét bổ sung trường hợp có thể áp dụng hình thức “chỉ định thầu” hoặc “đàm phán hợp đồng trực tiếp” đối với các sản phẩm đổi mới sáng tạo, sản phẩm công nghệ cao, mua sắm xanh, sản phẩm trong nước thay thế hàng nhập khẩu, sản phẩm lần đầu xuất hiện trên thị trường trong nước nếu thuộc trường hợp nêu trong quy định của EVFTA để hỗ trợ các nhà sản xuất và nhà thầu trong nước.
Đồng tình quan điểm này, đại diện Tập đoàn Viettel nêu thực tế, Viettel có đặc thù là nghiên cứu về quân sự, trong đó có những thiết bị mà cả thế giới chỉ có 1 - 2 đơn vị sản xuất, “họ chỉ đàm phán trực tiếp, chứ không đấu thầu”. “Chúng tôi kiến nghị bỏ phạm vi điều chỉnh là các dự án, đề tài nghiên cứu sử dụng quỹ phát triển khoa học của doanh nghiệp ra khỏi luật để tăng tính đổi mới sáng tạo”, đại diện này nói.
Tiếp thu ý kiến góp ý, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - ông Trần Hào Hùng khẳng định, quan điểm của cơ quan xây dựng Luật Đấu thầu (sửa đổi) là sẽ tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học - công nghệ.