Xử lý trên 13.400 văn bản đến
Ông Phạm Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục TCDN cho biết, trong năm 2021, Cục TCDN tiếp nhận và xử lý trên 13.400 văn bản gửi đến; trình Bộ xem xét, phê duyệt trên 1.180 văn bản thường; trực tiếp xử lý, ban hành trên 2.500 công văn về các Đề án, cơ chế, chính sách, xử lý các vấn đề liên quan đến tài chính doanh nghiệp, đôn đốc, thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, xếp loại DNNN, quy định về cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN....
Trong công tác nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, Cục TCDN được giao 11 Đề án, trong đó: đã hoàn thành 04 Đề án thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 01 Đề án đang tiếp tục triển khai, thực hiện. Về Đề án thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Tài chính có 06/06 đề án đã hoàn thành. Bên cạnh đó theo kế hoạch được giao bổ sung tại Quyết định số 2221/QĐ-BTC ngày 30/11/2021 của Bộ Tài chính có 02/02 Đề án đã hoàn thành.
Đối với công tác tổng hợp kết quả sản xuất kinh doanh, Cục đã thực hiện: Báo cáo Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2020 trong phạm vi toàn quốc; Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện sản xuất kinh doanh năm 2021, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 và giai đoạn 2022-2024 của các doanh nghiệp trong phạm vi cả nước để làm cơ sở xây dựng kế hoạch ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó về giám sát tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, Cục đã trình Bộ ký ban hành 08 văn bản liên quan đến giám sát tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp năm 2020. Trong năm 2020 có 97 doanh nghiệp được nhà nước đầu tư bổ sung vốn. Tổng số vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động tăng 15.758 tỷ đồng.
Đặc biệt thực hiện nhiệm Bộ giao làm chủ đầu tư thực hiện dự án Xây dựng hệ thống thông tin quản lý, giám sát vốn nhà nước tài doanh nghiệp, năm 2021 Cục TCDN đã hoàn thành cài đặt thành công hệ thống tại hạ tầng của Bộ Tài chính, triển khai công tác đào tạo trực tuyến hướng dẫn sử dụng hệ thống cho các cơ quan đại diện chủ sở hữu và các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc các cơ quan này.
Tập trung nguồn lực cao nhất để hoàn thành các Đề án
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi biểu dương và đánh giá cao các kết quả đạt được của tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức Cục TCDN trong năm 2021.
Về phương hướng nhiệm vụ của Cục trong năm 2022, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đang xây dựng, hoàn thiện lại chức năng vị trí của Bộ, do đó Cục TCDN cũng cần rà soát, hoàn thiện lại nhiệm vụ chức năng của đơn vị. Trong thời gian tới, Cục phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn có liên quan để hoàn thiện. Việc nghiên cứu phải xác định rõ vị trí, chức năng của đơn vị cần mở rộng, thu hẹp trong lĩnh vực nào, cơ cấu tổ chức ra sao, hướng tới Cục tiếp tục ổn định và phát triển trong dài hạn.
Bên cạnh đó tập trung nguồn lực cao nhất để xây dựng, hoàn thành các chính sách, đề án quan trọng của đơn vị trong năm 2022. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới việc rà soát, tổng kết và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) trình Bộ trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình làm việc của Quốc hội giai đoạn 2022 - 2025.
“Đây là bộ Luật rất quan trọng sẽ định hình hoạt động của Cục trong tương lai và vai trò của Bộ Tài chính trong quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Với cách nhìn, tiếp cận mới việc xây dựng Luật nhằm giúp các quy định của Luật phù hợp với thực tiễn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, cơ chế quản lý công khai minh bạch trong quản lý vốn nhà nước...”, Thứ trưởng lưu ý.
Ngoài ra, đối với các Nghị định, Thông tư khác, đề nghị lãnh đạo đơn vị tổ chức phân công cụ thể trách nhiệm tới từng Phòng, từng cán bộ thực hiện, đề ra thời gian hoàn thành, qua đó đối chiếu kiểm tra, đánh giá xếp loại.
Thứ trưởng lưu ý, đối với các công việc thường xuyên khác, Cục cần làm rõ quy chuẩn, quy trình như việc đánh giá, xếp loại DNNN, đánh giá tình hình tài chính của các doanh nghiệp. Quy trình cần đảm bảo công khai minh bạch, chiếu đúng tiêu chuẩn để xếp loại, đánh giá doanh nghiệp…
Đối với việc đưa hệ thống thông tin quản lý, giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào vận hành chính thức từ năm 2022, Thứ trưởng nhấn mạnh: “Đây là công việc quan trọng, cần đẩy mạnh tiến độ. Trong việc xây dựng hệ thống, lãnh đạo đơn vị cần nghiên cứu, thống nhất, xác định rõ hệ thống có thể kết nối với doanh nghiệp và nằm trong hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành Tài chính thế nào. Từ hệ thống đó chiết xuất được những thông tin gì, xã hội được tham gia vào hệ thống không, như vậy kho dữ liệu mới phát huy hết lợi ích”.