Ngày 28/08, các bộ phụ trách thương mại, khoa học và công nghệ của Trung Quốc đã đưa ra các ràng buộc mới, trong đó bao gồm các mảng như điện toán và công nghệ xử lý dữ liệu – như phân tích văn bản, khuyến nghị nội dung, nhận dạng giọng nói… Các công nghệ trong danh sách không được phép xuất khẩu mà không có giấy phép từ các cơ quan thương mại địa phương.
Các quy định cập nhật nghiêm cấm xuất khẩu công nghệ bao gồm phân tích văn bản, nhận dạng giọng nói và đề xuất nội dung mà không có giấy phép từ chính phủ Trung Quốc. Theo Wall Street Journal, một quan chức chính phủ Trung Quốc nói với Tân Hoa xã rằng ByteDance nên “nghiêm túc và thận trọng” xem xét việc tạm dừng đàm phán để bán TikTok.
Danh sách cấm và hạn chế xuất khẩu công nghệ cũng bao gồm những hạn chế mới đối với công nghệ laser, mật mã, thiết kế chip và các danh mục công nghệ cao khác.
Lần gần nhất mà Trung Quốc thay đổi danh sách xuất khẩu công nghệ là vào năm 2008, theo Bộ Thương mại Trung Quốc. Cơ quan này cho biết họ bắt buộc phải điều chỉnh danh sách khi xét tới sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, cũng như sự cải tiến liên tục của Trung Quốc về khả năng cạnh tranh công nghiệp.
Các biện pháp giới hạn mới có thể gây khó khăn cho cuộc đàm phán giữa công ty ByteDance (Trung Quốc) và người mua tiềm năng, trong bối cảnh tổ chức sở hữu TikTok bị Nhà Trắng yêu cầu bán lại mảng hoạt động tại Mỹ hoặc sẽ phải đối mặt với lệnh cấm.
Công nghệ bỗng trở thành trung tâm trong cuộc xung đột địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Bên cạnh TikTok, Nhà Trắng cũng nhắm tới hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc khác, chẳng hạn như gã khổng lồ viễn thông Huawei và Tencent Holdings.
Microsoft trở thành công ty có cơ hội lớn nhất trong cuộc đàm phán để có được TikTok, bên cạnh những cái tên như Walmart, Twitter, Netflix hay Oracle. Trong bối cảnh hỗn loạn, CEO TikTok Kevin Mayer đã từ chức vào ngày 27.8, chưa đầy 6 tháng làm việc.
ByteDance - chủ ứng dụng chia sẻ video TikTok, đã lên tiếng khẳng định sẽ tuân thủ nghiêm ngặt quy định mới về xuất khẩu công nghệ của Trung Quốc, mà có thể làm phức tạp thương vụ mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang yêu cầu phải thực hiện.
Động thái này của Trung Quốc cũng đánh dấu lần đầu tiên điều chỉnh danh mục mặt hàng công nghệ bị cấm hoặc hạn chế xuất khẩu, bổ sung thêm 23 mặt hàng mới.