Để tổ chức ra hội thảo này, VCCI và Viện FNF thông báo đã khảo sát hơn 500 doanh nghiệp trên cả nước và Nghiên cứu rà soát đánh giá các văn bản pháp luật thực thi EVFTA trong hai năm qua. Đây là một thời gian khá dài và số lượng doanh nghiệp được khảo sát cũng khá nhiều.
Với kết quả nghiên cứu đó, Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu: EVFTA đã góp một phần quan trọng làm giảm nhẹ các tác động bất lợi, và giúp quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU phát triển khả quan trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam phải đối mặt với những biến động chưa từng có, từ dịch bệnh COVID-19, đứt gãy các chuỗi cung ứng, đến xung đột Nga-Ukraina, khủng hoảng năng lực, lương thực…
Ông Phòng nói về những con số khá tích cực như: về thương mại, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU hai năm đầu thực thi (8/2020-7/2022) đạt 83,4 tỷ USD, tức trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn tới24% so với kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019 trước đó. Tỷlệ hàng xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA năm 2020 đạt 14,8%, tăng lên 20,2% năm 2021 và 24,5% trong 6 tháng đầu năm 2022.
Tiếp theo là phát biểu của một đại diện cơ quan nhà nước - Bà Nguyễn Cẩm Trang – Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương, EVFTA đã góp phần đáng kể thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đối tác. Cụ thể, trong 2 năm thực thi Hiệp định này, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng sang thị trường EU (nhưSắt thép tăng 739%; Máy ảnh, máy quay phim, linh kiện tăng 260%; Máy móc và thiết bị tăng 82,3%...). Một số mặt hàng mới cũng có tăng trưởng cao sang thịtrường EU trong giai đoạn này như nhóm Gạo, Sản phẩm mây tre, cói thảm (tăng trên 50%); các sản phẩm Gốm, sứ (tăng trên 25%); nhóm Rau quả, Dây diện và dây cáp điện (tăng trên 15%)...
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI đã có một bài phát biểu khá dài trong thời gian giữa của Hội thảo cho biết: tỷ lệ các doanh nghiệp Việt Nam từng được hưởng lợi từ EVFTA là rất đáng khả quan, với gần 41% cho biết đã từng hưởng ít nhất một lợi ích nào đó từ EVFTA. Lợi ích phổ biến nhất là từ các ưu đãi thuế quan đối với hàng xuất-nhập khẩu và hiệu ứng tích cực trong gia tăng đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận. Theo bà Trang, điều này có thể là kết quả của sự cải thiện trong mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về Hiệp định này.
Tại Hội thảo, TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã đưa ra các dự báo về bối cảnh và triển vọng kinh tế EU thời gian tới cùng các khuyến nghị với doanh nghiệp trong tận dụng EVFTA. Bên cạnh đó, TS Cao Xuân Phong, Trưởng ban Nghiên cứu Pháp luật quốc tế - Viện Khoa học pháp lý cũng chia sẻ về yêu cầu cải cách pháp luật, thể chế trong bối cảnh thực thi EVFTA và các FTA thếhệ mới trong thời gian tới. Các diễn giả và khách mời đã cùng trao đổi và chia sẻ với các đại biểu về kết quả hai năm thực thi EVFTA và những kinh nghiệm, bài học rút ra cho tương lai.
Một Hội thảo thiếu vắng ý kiến và sự tham dự của các doanh nghiệp – đâu là tính khách quan của thông tin?
Có thể thấy rằng, từ đầu đến cuối Hội thảo do VCCI tổ chức lần này không thấy xuất hiện nhiều doanh nghiệp đến tham dự hoặc phát biểu trực tiếp. Chúng ta chỉ được nghe ý kiến một chiều từ các chuyên gia đến từ cơ quan nhà nước, VCCI hay các Viện nghiên cứu. Một số phóng viên cố công tìm kiếm đại diện doanh nghiệp để phỏng vấn nhưng không tìm thấy hoặc chỉ thấy 1 vài người – con số quá ít ỏi !
Tiêu đề Hội thảo là ‘Góc nhìn doanh nghiệp’ khá hấp dẫn, mà thực tế doanh nghiệp lại không đến, ít đến, không phát biểu thì các số liệu và các đánh giá tác động nêu trong hội thảo có đảm bảo tính khách quan?
Tôi đã tham dự nhiều Hội thảo do VCCI và các Viện nghiên cứu về kinh tế tổ chức, có trường hợp, ở hội thảo đó, đại diện cơ quan quản lý nhà nước luôn nói về các dấu hiệu tích cực, ưu điểm của các ‘Văn bản vừa sửa đổi’ thì ngay lập tức có ý kiến phản hồi từ các doanh nghiệp là ‘văn bản đó’ thực sự rắc rối vì rất khó hiểu khi đem ra áp dụng thực tiễn.
Thông tin khách quan luôn có ít nhất 2 chiều trở lên. Hy vọng ở các hội thảo khác chúng ta được nghe những ý kiến sát sườn nhất của doanh nghiệp cũng như các phân tích sâu hơn trong việc ‘Ban hành chậm’ các quy định của nhà nước (VD : chậm 632 ngày so với mốc trong Hiệp định) có ảnh hưởng thế nào đến kinh tế và doanh nghiệp.