Hồ sơ pháp lý đệ trình lên toà án Brooklyn thông báo Genius đòi bồi thường 50 triệu USD từ Google và LyricFind, một công ty Canada chuyên cung cấp dịch vụ lời các bài hát. Vụ việc lần này tiếp tục làm dấy lên quan ngại rằng những công ty lớn như Google có thể khiến nhiều công ty nhỏ hơn phải chịu áp lực rất lớn vì một số hoạt động kinh doanh của mình. Trước đó, một số công ty như Yelp hay TripAdvisor cũng cáo buộc Google đã sử dụng nội dung của mình một cách thiếu hợp lí.
Genius cho rằng hành động của Google không chỉ vi phạm điều khoản sử dụng dịch vụ, mà còn thu lợi nhuận từ “10 năm nghiên cứu và hàng chục triệu USD chi phí Genius bỏ ra để xây dựng doanh nghiệp và cơ sở dữ liệu”. Đây được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Ngoài những thiệt hại về tiền bạc, Genius còn muốn LyricFind vĩnh viễn bị cấm chiếm dụng nội dung từ trang web của họ, gồm cả việc cấp phép cho các bên thứ ba, điển hình như Google.
Dịch vụ cung cấp lời bài hát cho biết Google đã sao chép nội dung của họ trong nhiều năm. Tháng 6/2019, hãng đã chuyển cho The Wall Street Journal bức thư từng gửi Google hồi tháng 4 để cảnh báo Google về việc vi phạm các điều khoản dịch vụ của trang web, đồng thời nhấn mạnh việc sử dụng lời bài hát khi chưa được phép đã vi phạm luật chống độc quyền.
Google đã đáp lại trên blog: "Chúng tôi không thu thập dữ liệu hoặc quét các trang web để lấy lời bài hát. Nội dung mà bạn thấy trong các hộp thông tin trên thanh tìm kiếm đến từ các nhà cung cấp lời bát hát và chúng được cập nhật tự động".
Google nói họ có bản quyền đăng tải lời bài hát từ đối tác LyricFind. LyricFind cũng khẳng định họ có giấy phép xuất bản lời bài hát từ các đơn vị phát hành âm nhạc.
Genius cho biết họ mã hoá dấu cách trong lời bài hát theo mã Morse, không thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng có thể phát hiện hành vi sao chép bằng máy tính. Trước đó, LyricFind khẳng định họ không sao chép trực tiếp từ website của Genius song có thể "vô tình lấy nguồn lời bài hát của Genius từ một địa chỉ khác".
Thống kê của Genius cho thấy có 116 trên tổng số 301 lời bài hát của hãng đã xuất hiện trên trang tìm kiếm của Google từ tháng 10 đến tháng 12/2018. Trước đó, một số công ty như Yelp hay TripAdvisor cũng cáo buộc Google đã sử dụng nội dung của mình không xin phép. Hồi tháng 3/2019, Google bị Liên minh châu Âu phạt 1,7 tỷ USD vì cạnh tranh không lành mạnh.
Đại diện Google cho biết: “Chúng tôi đang xem xét nghiêm túc về chất lượng dữ liệu và quyền sở hữu nội dung, đồng thời cũng yêu cầu đối tác phải có trách nhiệm với thỏa thuận”.
Trong đơn kiện Genius không khiếu nại bản quyền vì hãng không sở hữu lời bài hát. Cả Genius và Google đều có giấy phép từ các nhà xuất bản âm nhạc để xuất bản những nội dung này, điều đó khiến cho Genius gặp nhiều bất lợi.
Vấn đề cốt lõi của vụ kiện chủ yếu tập trung vào việc Google và đối tác làm thế nào để có được lời bài hát. Phán quyết gần đây của tòa án cho rằng việc rà soát dữ liệu từ những trang web công khai không phải việc làm bất hợp pháp, tuy nhiên các trang web thường ra quy định cấm đánh cắp nội dung trên nền tảng của họ. Trong trường hợp này, nếu cả hai bên đều có giấy phép phát hành thì Google có thể không vi phạm luật pháp khi hiển thị lời bài hát lên công cụ tìm kiếm.