Ngành muối đang đối mặt rất nhiều khó khăn
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho biết: Diện tích sản xuất muối của Việt Nam có chiều hướng giảm dần trong những năm gần đây, cụ thể: Năm 2018 diện tích hơn 13.000 ha, năm 2019 hơn 12.400 ha, năm 2020 hơn 11.900 ha. Đến năm 2021, diện tích sản xuất muối của Việt Nam hơn 11.300 ha, sản lượng hơn 914.900 tấn.
Nguyên nhân cơ bản của việc giảm diện tích sản xuất muối là do thu nhập từ nghề này mang lại cho người dân ở mức thấp, nhiều hộ đã dần chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy hải sản hoặc chuyển sang làm nghề khác.
Theo ông Thịnh, hiện nay cả nước có hơn 14.000 hộ sản xuất muối, tương ứng với hơn 33.600 lao động, trong đó chủ yếu là người già, phụ nữ, trẻ em… Số cơ sở chế biến quy mô nhỏ chiếm 80,3%, công nghệ sản xuất, máy móc, thiết bị thường dùng là máy nghiền trục, nghiền búa, nghiền cối xay và ly tâm gián đoạn nên chất lượng muối chế biến không ổn định, phụ thuộc vào chất lượng muối nguyên liệu và tỷ lệ thu hồi muối trong chế biến thấp (dưới 80%).
Về tiêu thụ muối, doanh nghiệp sản xuất chế biến muối tiêu thụ 34,41% tổng sản lượng muối, hợp tác xã (HTX) 6,5%, tư thương, bán lẻ 59,09 %.
Về xuất nhập khẩu, theo báo cáo của Bộ Công thương, giai đoạn 2017-2020, lượng muối nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan phân giao trung bình mỗi năm 62.500 tấn, trong tổng lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu công bố là 110.000 tấn. Lượng muối nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan được phân giao còn thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất hóa chất trong khi nguồn nguyên liệu muối trong nước chưa đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng.
Sản phẩm muối biển sạch giàu vi lượng có lợi cho sức khỏe của Việt Nam đã xuất khẩu sang một số nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... nhưng số lượng còn ít, trung bình mỗi năm xuất khẩu khoảng 20.000 - 40.000 tấn muối sạch…
Hướng tới xuất khẩu muối
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, hiện nay nhu cầu sử dụng muối hàng năm của cả nước khoảng từ 1,5 - 1,6 triệu tấn. Tổng nhu cầu muối công nghiệp của các doanh nghiệp để sản xuất hiện nay khoảng 350.000 tấn/năm. Đến năm 2030, dự báo nhu cầu tiêu dùng muối toàn quốc khoảng 2 triệu tấn/năm, trong đó muối công nghiệp hơn 1,3 triệu tấn.
Trên cơ sở đó, thời gian tới, ngành muối sẽ tập trung nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các loại sản phẩm nhằm thỏa mãn nhu cầu muối trong nước, từng bước thay thế lượng muối nhập khẩu khoảng 400.000 - 600.000 tấn/năm, tiến đến xuất khẩu muối.
Tại hội thảo, bà Marion Chaminade, Tham tán nông nghiệp Pháp tại Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm trong việc phát triển ngành muối của Pháp để các cơ quan quản lý, đơn vị sản xuất muối Việt Nam tham khảo, nghiên cứu, áp dụng vào việc thúc đẩy sự phát triển ngành muối Việt Nam trong thời gian tới.
Theo bà Marion Chaminade, đến những năm 70, ngành muối của Pháp mới được hồi sinh bằng việc quay lại với phương thức sản xuất truyền thống (hiện đưa vào chương trình đào tạo chính quy và cấp bằng). Trong đó, Pháp tập trung phát triển các sản phẩm chất lượng, chăm chút tỉ mỉ hình ảnh trên cơ sở hợp tác với các đầu bếp nổi tiếng của Pháp.
Trên cơ sở đó, bà Marion Chaminade khuyến nghị: Cần phát huy cao độ sự linh hoạt trong phát triển sản xuất muối. Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện việc cấp chỉ dẫn địa lý cho vùng sản xuất muối, bởi việc làm này cho phép thúc đẩy sự linh hoạt của ngành muối xoay quanh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo phân khúc rõ ràng cho người tiêu dùng, phát triển các hoạt động thân thiện với môi trường, củng cố kinh tế nông thôn, kèm theo sự phát triển của du lịch, bán hàng trực tiếp…
Trong thời gian tới, ngành muối Việt Nam sẽ tập trung thỏa mãn nhu cầu muối trong nước, từng bước thay thế lượng muối nhập khẩu khoảng 400.000-600.000 tấn/năm, tiến đến xuất khẩu muối. Ảnh: Trung Quân.
Trong thời gian tới, ngành muối Việt Nam sẽ tập trung thỏa mãn nhu cầu muối trong nước, từng bước thay thế lượng muối nhập khẩu khoảng 400.000-600.000 tấn/năm, tiến đến xuất khẩu muối. Ảnh: Trung Quân.
Việc phát triển chỉ dẫn địa lý không thể tách rời với công tác bảo vệ, trong đó chú trọng tới 4 yếu tố: Tên gọi; kiểm soát việc tuân thủ các thông số kỹ thuật của sản phẩm; khu vực địa lý sản xuất; mối liên hệ mật thiết giữa các yếu tố này.
Về phía Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết: Vấn đề quan trọng nhất hiện nay mà ngành muối cần đặc biệt quan tâm là “phá tung” những ách tắc trong thời gian vừa qua, đưa ngành muối trở về đúng giá trị thực của nó.
Hiện nay, Bộ NN-PTNT đã ban hành tương đối đầy đủ các văn bản, quy chuẩn, tiêu chuẩn về sản xuất muối. Do đó, các địa phương cần sớm xây dựng cho mình phương án cụ thể phát triển nghề muối (chỉ rõ ách tắc ở đâu, phương án tháo gỡ là gì…).
Bên cạnh đó, cần có những bước đi vững chắc, theo các bước: Tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của thị trường với phương châm “thị trường cần gì, sẽ tập trung sản xuất cái đó”. Khi đã nắm bắt được nhu cầu thị trường mới tiến hành xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn để hướng dẫn người nông dân nâng cao năng suất, chất lượng ngành muối, tiến tới tổ chức lại sản xuất lấy HTX, hiệp hội ngành hàng… làm trung tâm, xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu bền vững cho vùng muối.