10 chủ đầu tư có kết quả giải ngân tốt
Mới đây, Vụ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ GTVT thống kê 10 chủ đầu tư có kết quả giải ngân tốt nhất năm 2021, gồm 5 đơn vị đã đạt kết quả giải ngân 100% kế hoạch: Ban Quản lý dự án (BQLDA) Hàng hải (122 tỷ đồng); Sở GTVT Thái Bình (300 tỷ đồng, dự án Quốc lộ (QL)37 và cầu Sông Hóa); BQLDA công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn Đắk Lắk (275 tỷ đồng, dự án tránh phía TP Buôn Ma Thuột); Sở GTVT Hải Phòng (2.030 tỷ đồng, QL37 qua Hải Phòng); Sở GTVT Hải Dương (210 tỷ đồng, QL37 qua Hải Dương).
Bên cạnh các đơn vị có kết quả giải ngân tốt, vẫn còn một số chủ đầu tư, BQLDA có kết quả giải ngân chưa đáp ứng được yêu cầu, thấp hơn mức trung bình chung của Bộ (85,6%). Cụ thể, BQLDA 2 đạt 65%, phần vốn chưa giải ngân tập trung chủ yếu ở các dự án ODA do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và vướng cơ chế trong giải ngân phần vốn kế hoạch nước ngoài; BQLDA Mỹ Thuận đạt 76,6%; BQLDA Đường thủy đạt 79,4%; BQLDA 85 đạt 81,7%...
Một số Sở GTVT cũng đạt thấp là Sở GTVT Cà Mau đạt 62,8%, còn phải giải ngân 83 tỷ đồng; Sở GTVT Kon Tum đạt 67%, còn phải giải ngân 105 tỷ đồng; Sở GTVT Thanh Hóa đạt 79,2%, còn phải giải ngân 62 tỷ đồng...
Đại diện các BQLDA và Sở GTVT các địa phương cho biết, trong tháng 1/2022 sẽ tăng tốc triển khai các dự án, đảm bảo tiến độ giải ngân theo kế hoạch giao và phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ cao nhất có thể.
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2021, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công lên tới 43.401 tỷ đồng. Kết quả giải ngân hàng tháng trong năm 2021 của Bộ GTVT thuộc trong số các bộ, ngành, địa phương đạt tỷ lệ cao so với bình quân chung cả nước. Dự kiến, hết tháng 1/2022 (thời điểm hết năm tài chính), Bộ GTVT sẽ hoàn thành 95% chỉ tiêu giao, đáp ứng yêu cầu Chính phủ.
Năm 2022, ngành GTVT được Chính phủ giao giải ngân vốn đầu tư công “kỷ lục”
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2022, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn lớn nhất từ trước đến nay, lên đến hơn 50.000 tỷ đồng, với nhiều dự án lớn được triển khai, đặc biệt là dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Đông sẽ được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong thời gian tới.
Nhiệm vụ được giao đòi hỏi quyết tâm của toàn ngành, trong đó, các BQLDA, các Sở GTVT liên quan cần khẩn trương hoàn thành nhanh các thủ tục chuẩn bị đầu tư, đặc biệt thủ tục liên quan đến dự án trọng điểm quốc gia, các dự án nhóm A đòi hỏi thời gian chuẩn bị thủ tục đầu tư dài theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, xây dựng tiến độ chi tiết cho từng hạng mục, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu để nâng cao hiệu quả thi công, không chờ lúc dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư mới thu thập số liệu hiện trường và chưa thống nhất với các địa phương về chủ trương thực hiện dự án...