Trong lần đệ đơn lên tòa án vào thứ Sáu vừa qua, luật sư của ByteDance, công ty sở hữu ứng dụng chia sẻ video TikTok cho biết, Ủy ban Đầu tư nước ngoài ở Mỹ (CFIUS) đã gia hạn thời gian để ứng dụng TikTok được bán cho một công ty Mỹ.
TikTok đã kiến nghị với CFIUS vào đầu tuần này rằng họ vẫn sẽ hướng tới việc thực hiện thỏa thuận. Nhưng rõ ràng cả ByteDance và các cơ quan chức năng Mỹ đã "lơ là" trong việc thực hiện suốt nhiều tuần qua.
Giờ đây, CFIUS tuyên bố “lệnh ngày 14.8 của Tổng thống Mỹ yêu cầu ByteDance và TikTok phải thực hiện việc thoái vốn cụ thể tại Mỹ và các biện pháp khác để giải quyết vấn đề rủi ro an ninh quốc gia xuất phát từ việc ByteDance mua lại Musical.ly. Thời hạn mở rộng này sẽ dành cho các bên liên quan và Ủy ban có thể giải quyết một cách đầy đủ các thủ tục pháp lý”.
Trước đó, toà án liên bang Pennsylvania đã chặn lệnh cấm người Mỹ sử dụng TikTok của chính quyền Trump sau khi xem xét đơn kiện của ba công dân. Phán quyết từ bang Pennsylvania đồng nghĩa việc TikTok có thể tiếp tục hoạt động tại Mỹ sau ngày 12/11. Quyết định này cũng chặn những biện pháp hạn chế bổ sung từ ngày 12/11, như việc cấm các nhà mạng và đơn vị hosting tại Mỹ cung cấp dịch vụ cho TikTok.
Tuy nhiên ByteDance đã thực hiện ít nhất 4 vụ kiện để lật ngược những lệnh cấm này. Thẩm phán Liên bang Carl Nichols ở Washington đã ra lệnh tạm dừng lệnh hạn chế giai đoạn một vào tháng 9. Vào cuối tháng 10, thẩm phán Wendy Beetlestone ở Philadelphia cũng ra lệnh cấm triển khai giai đoạn trong vụ kiện do ba người dùng TikTok đệ trình.
Thoả thuận với Oracle và Walmart được Tổng thống Trump phê duyệt vào tháng 9, nhưng chính phủ Trung Quốc không đồng ý. Từ đó đến nay, thương vụ TikTok vẫn chưa thể kết thúc như mong muốn của các bên.