Bộ trưởng Truyền thông Somalia Jama Hassan Khalif đề nghị các công ty Internet chặn TikTok, Telegram và website cá độ do các nhóm khủng bố thường xuyên sử dụng để phát tán hình ảnh kinh doanh, thông tin sai sự thật cho công chúng. Động thái này được xem là nỗ lực đầu tiên của Chính phủ Somalia nhằm hạn chế các mạng xã hội.
Quyết định trên được đưa ra vài ngày sau khi Tổng thống Somalia Hassan Sheikh Mohamud thông báo về một cuộc tấn công quân sự nhằm chống lại tổ chức khủng bố lớn nhất thế giới Al-Shabab. Thời gian qua, các thành viên của nhóm khủng bố này đã tích cực đăng tải hoạt động bạo loạn, kích động bạo lực của mình trên các nền tảng Telegram và TikTok. Theo Lực lượng chỉ huy quân sự châu Phi (Africom), Al-Shabab là mạng lưới al-Qaeda lớn nhất thế giới.
Trong tuyên bố, Bộ trưởng Jama Hassan Khalif nêu rõ: “Bộ trưởng truyền thông ra lệnh cho các công ty internet ngừng các ứng dụng nói trên, thứ mà những kẻ khủng bố và các nhóm vô đạo đức sử dụng để liên tục truyền bá những hình ảnh khủng khiếp và thông tin sai lệch tới công chúng”.
Chính phủ Somalia cho biết, các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại quốc gia này có thời hạn đến ngày 24/8 để tuân thủ.
Hiện tại, TikTok từ chối bình luận về lệnh cấm nêu trên. Trong khi đó, Telegram khẳng định nền tảng liên tục tiến hành gỡ bỏ những nội dung tuyên truyền khủng bố cũng như chủ động quản trị nội dung gây hại tại Somalia nói riêng và toàn cầu.
Các nhà sáng tạo nội dung kiếm tiền từ nền tảng bày tỏ lo ngại vì lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của họ.
TikTok cũng bị dọa cấm tại Mỹ vì xuất xứ Trung Quốc. Montana là bang đầu tiên của Mỹ cấm ứng dụng hồi tháng 5/2023. Mới đây, New York ban lệnh cấm TikTok trên thiết bị công do vấn đề bảo mật. Các cơ quan của New York phải xóa ứng dụng khỏi thiết bị công trong vòng 30 ngày. Nhân viên của thành phố bị cấm tải hay sử dụng ứng dụng, truy cập website của TikTok trên thiết bị do chính phủ cấp.
Lệnh cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị công đã có hiệu lực tại nhiều nước như Canada, Đan Mạch và Australia. Ba cơ quan hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) là Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu thông báo áp dụng lệnh cấm cài đặt ứng dụng TikTok trên các thiết bị công kể từ giữa tháng 3 năm nay. Cùng với đó, Cộng hoà Czech và Ireland cũng đang điều tra về khả năng bảo mật dữ liệu của TikTok.
Nguyên nhân chủ yếu là do các nước lo ngại về vấn đề quyền riêng tư và tính bảo mật thông tin của người sử dụng, cũng như nguy cơ truyền bá những nội dung xấu độc, có thể đe dọa đến an ninh quốc gia.