Vấn nạn “tín dụng đen” ở nước ta ngày càng biến tướng, gây ra nhiều hệ lụy. Đặc biệt, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp gây khó khăn về kinh tế, người dân có nhu cầu vay vốn để phục vụ sinh hoạt, sản xuất kinh doanh có xu hướng tìm đến các nguồn vay không chính thống. Lợi dụng tình trạng đó, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” đã mở rộng “bẫy” vay nợ thông qua nhiều hình thức, phương thức và thủ đoạn mới.
Mới đây, Báo Lao động và Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Cảnh báo tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức”. Hội thảo nhằm bàn về các giải pháp góp phần đẩy lùi tín dụng đen, giúp người dân, công nhân lao động tiếp cận được nguồn tín dụng chính thức. Bên cạnh đó, tạo diễn đàn trao đổi thông tin giữa người dân, ngân hàng, các cơ quan quản lý, công an, luật sư và phóng viên về tín dụng đen, hệ luỵ trong xã hội, và làm thế nào để người dân tiếp cận được nguồn tín dụng chính thức.
Tín dụng đen “núp bóng” dưới nhiều hình thức
Mặc dù, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen đã được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang gây thiệt hại nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Trung tá Đỗ Minh Phương- Phó Trưởng Phòng Trọng án - Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết, các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lợi dụng công nghệ, mạng xã hội mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên vay tiền. Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng này chuyển hướng lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook) để len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền với thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng.Nhưng lại tiến hànhthu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật (thực chất là để lách số tiền lãi vượt ngưỡng theo quy định của pháp luật).
Bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động tín dụng đen. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội…. của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.
Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV chia sẻ, tín dụng đen ngày càng len lỏi, tồn tại không chỉ ở vùng sâu, vùng xa, mà ở ngay giữa lòng thành thị, do nhiều khách hàng cá nhân ít có cơ hội tiếp cận thông tin, chính sách cho vay của các ngân hàng; chưa hiểu rõ về tài sản bảo đảm, giá trị, tính pháp lý tài sản bảo đảm khi đi vay. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin, liên kết chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan chức năng tại Việt Nam chưa hoàn thiện; chế tài xử phạt đối với việc cho vay nặng lãi, tổ chức tín dụng đen chưa đủ tính răn đe.
Quá trình cấp tín dụng vẫn gặp khó khăn
Bà Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đánh giá, dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực và tác động trực tiếp đến thu nhập của người dân đặc biệt là tập trung vào nhóm người có thu nhập thấp như công nhân, người lao động thời vụ, người kinh doanh nhỏ... dẫn tới tình hình tội phạm tín dụng đen có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, dành nguồn lực để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Đến nay, mặt bằng lãi suất vay giảm khoảng 1,66%/năm so với trước dịch.
Tuy nhiên, theo bà Hà Thu Giang, quá trình cấp tín dụng vẫn gặp khó khăn, tội phạm tín dụng đen vẫn có cơ hội để phát triển.
Bà Giang chỉ ra nguyên nhân do các nhu cầu vay vốn tiêu dùng cấp bách của khách hàng thường khó chứng minh mục đích sử dụng vốn và khả năng trả nợ, quá trình thẩm định cấp tín dụng khó khăn do nguồn thông tin không đầy đủ, độ chính xác không cao. Đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát như thời gian qua thì việc thẩm định cho vay lại càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng phải đảm bảo chất lượng nợ, an toàn vốn và an toàn hệ thống, thủ tục cho vay, xử lý nợ, rủi ro không giống các tổ chức cung ứng tín dụng đen.
Đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen
Phát biểu tại hội thảo, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước đánh giá tội phạm tín dụng đen những năm vừa qua ngày càng biến tướng, gây ra nhiều hệ lụy. Đặc biệt, trước tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều người lao động rơi vào cảnh khó khăn, mất việc làm và không có tiền chi tiêu, tội phạm tín dụng đen đã lợi dụng tình cảnh này để mở rộng “bẫy” vay nợ thông qua nhiều hình thức, phương thức và thủ đoạn mới.
Phó Thống đốc cũng thừa nhận vẫn còn những hạn chế trong việc đẩy lùi tín dụng đen như các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng liên quan đến hoạt động tín dụng đen ngày càng gia tăng phức tạp.
"Mặc dù các tổ chức tín dụng đã tích cực đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tuy nhiên một số bộ phận người dân còn tìm đến vay tiền từ tín dụng đen do để phục vụ nhu cầu vay vốn không hợp pháp (cờ bạc, ma tuý, kinh doanh phi pháp,...) hoặc do thói quen tiêu dùng, tâm lý e ngại tiếp xúc với ngân hàng", Phó Thống đốc nói.
Do đó, Phó Thống đốc cho rằng cần đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen.Cùng với đó, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, thiên tai, dịch bệnh hoặc khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn như xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay tín dụng đen.
Trung tá Đỗ Minh Phương cũng cho rằng, UBND các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan kịp thời giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội trong và sau thời gian dịch bệnh COVID-19; nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn để có giải pháp tháo gỡ, góp phần hạn chế người dân có nhu cầu vay tiền chính đáng, phục vụ sản xuất, kinh doanh phải tìm đến hoạt động tín dụng đen.