Cơ quan quản lý nhà nước về quy chế thị trường (SAMR) của Trung Quốc cho biết, do lo ngại vấn đề an toàn, hãng sản xuất ôtô Mercedes-Benz của Đức đã bắt đầu triệu hồi để sửa chữa hơn 10.000 xe ôtô nhập khẩu tại thị trường nước này.
Cụ thể, 11.212 xe thể thao đa dụng GLE SUV và GLS SUV được sản xuất từ ngày 28/10/2018 đến ngày 8/11/2021 cũng như 660 xe EQS được sản xuất từ ngày 3/9/2021 đến ngày 25/11/2021 thuộc diện triệu hồi lần này.
Mercedes-Benz sẽ bắt đầu triệu hồi các xe GLE SUV và GLS SUV bị ảnh hưởng từ ngày 15/8.
Nguyên nhân triệu hồi là do cáp nối đất của ắc quy xe có thể gây hỏa hoạn.
Trong khi đó, các xe EQS sẽ được triệu hồi từ ngày 1/9 với lý do các ren trên ốc vít kiểm soát lực kéo trên cản trước và sau của xe có thể không đáp ứng các thông số kỹ thuật, có thể dẫn đến rủi ro an toàn.
Mercedes-Benz cam kết sẽ kiểm tra và sửa chữa hoặc thay thế miễn phí các bộ phận bị lỗi kỹ thuật.
Còn tại Việt Nam, đầu tháng 7/2022, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD), Bộ Công Thương đã tiếp nhận báo cáo của Công ty TNHH Mercedes Benz Việt Nam về chương trình thu hồi xe để thực hiện việc kiểm tra và thay thế bộ trợ lực phanh trên các xe Mercedes-Benz GL-Class, ML-Class (số loại 164) và R-Class (số loại 251) sản xuất từ năm 2004 đến 2015 do Công ty TNHH Mercedes Benz Việt Nam nhập khẩu và phân phối tại thị trường Việt Nam.
Chương trình triệu hồi sẽ kiểm tra bộ trợ lực phanh và thay thế bộ trợ lực phanh cho một số xe Mercedes-Benz GL450 4MATIC & ML350/500 4MATIC (số loại 164) và R280/300 & R350/500 4MATIC (số loại 251), do công ty MBV nhập khẩu và phân phối theo chương trình triệu hồi của MercedesBenz AG có số hiệu là 4290005.
Những xe bị ảnh hưởng có thời gian sản xuất từ tháng 5/2008 đến tháng 11/2011. Số lượng triệu hồi 76 chiếc. Thời gian bắt đầu thực hiện từ 30/06/2022 đến 31/12/2027.
Nguyên nhân được xác định là vỏ của bầu trợ lực phanh có thể bị rò rỉ do sự ăn mòn ở khu vực mối ghép sau thời gian dài sử dụng và do tiếp xúc nhiều với môi trường nước, ẩm. Trong trường hợp này, lực hỗ trợ phanh sẽ giảm, dẫn đến cần phải tăng lực bàn đạp phanh nhiều hơn để giảm tốc xe. Điều này có thể kèm theo tiếng rít hoặc tiếng ồn của luồng không khí khi đạp phanh.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, sự ăn mòn rò rỉ nghiêm trọng, nó có thể dẫn đến hư hỏng cơ cấu cơ khí bên trong bầu trợ lực phanh trong quá trình đạp mạnh phanh. Trong trường hợp rất hiếm gặp có thể xảy ra nguy cơ tai nạn, sẽ không thể giảm tốc xe thông qua hệ thống phanh. Chức năng của phanh tay (phanh đậu) không bị ảnh hưởng bởi vấn đề này.