Đây là hoạt động trong khuôn khổ thực hiện Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 2-10-2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng phương thức trọng tài thương mại, hòa giải thương mại.
Khai mạc diễn đàn ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (VCCI) cho biết, diễn đàn được tổ chức nhằm thảo luận và tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi các loại hợp đồng, giải quyết các bất đồng, tranh chấp trong kinh doanh, giúp các doanh nghiệp nắm bắt và vận dụng hiệu quả quy định của pháp luật về hợp đồng dân sự.
Theo ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế, Bộ Tư pháp, pháp luật về hợp đồng rất quan trọng đối với doanh nghiệp cũng như nền kinh tế, đây là một trong hai nội dung quan trọng nhất của pháp luật dân sự. Mặc dù Bộ Luật Dân sự năm 2015 đã có những bước thay đổi đột phá nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số về pháp luật hợp đồng dân sự tại Việt Nam vẫn còn thấp.
Tại diễn đàn, các đại biểu tham dự đã đề cập đến một số khó khăn, vướng mắc như: Quy định chung của pháp luật hợp đồng dân sự (chủ thể, đại diện, tài sản - đối tượng của hợp đồng, hiệu lực giao dịch, giao dịch vô hiệu, thời hiệu, trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ, xác lập, thực hiện, chấm dứt hợp đồng…); các hợp đồng dân sự thông dụng theo quy định của pháp luật dân sự (hợp đồng về mua bán, trao đổi, tặng cho, vay tài sản, cho thuê tài sản, mượn tài sản, về quyền sử dụng đất, hợp tác, dịch vụ, vận chuyển, gia công, gửi giữ, ủy quyền, giao dịch bảo đảm và một số loại hợp đồng khác có liên quan)… Khi chỉ giải đáp những vướng mắc của doanh nghiệp, các chuyên gia pháp lý cũng đã giúp các doanh nghiệp nắm bắt và vận dụng hiệu quả quy định của pháp luật về hợp đồng dân sự.
Bàn về các vấn đề xử lý tranh chấp hợp đồng dân sự, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, tại Việt Nam, các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng hiện có gồm hòa giải thương mại, trọng tài thương mại và tố tụng tại tòa án. Mỗi phương thức giải quyết tranh chấp có những ưu điểm, nhược điểm khác nhau và tùy thuộc vào sự lựa chọn của các bên trong hợp đồng.
Trong bài trình bày của mình, ông Huỳnh đã đưa ra các vấn đề cần bàn hiện nay như:
- Điều cấm của Luật được hiểu như thế nào?
- Thời hiệu khởi kiện là pháp luật nội dung hay pháp luật tố tụng?
- Thỏa thuận bảo mật và chống cạnh tranh trong quan hệ lao động
- Vi phạm nghiêm trọng và vi phạm cơ bản?
- Bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm khác biệt giữa Luật Dân sự và Luật Thương mại?
- Thỏa thuận ước tính trước trong pháp luật hợp đồng
- Lãi suất trả chaamh 10% có áp dụng với ngoại tệ hay không?
- Quy định chưa rõ thẩm quyền của trọng tài viên tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu.
Những vấn đề ông Huỳnh đưa ra đã được các mọi người sôi nổi bàn bạc. Như định nghĩa về ‘Vi phạm nghiêm trọng và vi phạm ở bản” trong các bộ luật ở nước ta có đến 2 khái niệm riêng. Như vậy có lẽ là thừa bởi bản chất “vi phạm nghiêm trọng và vi phạm cơ bản” chỉ là một, là giống nhau. Một khách mời nêu ý kiến rằng đây chính là sự ‘nhầm lẫn’ hay gọi lại ‘lỗi’ dịch thuật bởi khi tiến hành xây dựng luật, các nhà quản lý thường tham khảo nội dung từ luật nước ngoài, chỉ 1 từ tiếng Anh mà có người thì dịch là ‘lỗi cơ bản’, người khác lại dịch là ‘lỗi nghiêm trọng’ nên khi Luật đó được ban hành mới có đến 2 khái niệm cùng bản chất.
Hóa ra, nhiều bộ Luật tưởng chừng hoàn hảo nhưng nếu được các chuyên gia, các doanh nghiệp đưa vào những tình huống cụ thể trong thực tiễn thì mới thấy lệch, hoặc chưa có ‘bài toán’ giải đáp. Đó là những trường hợp ‘luật ở trên trời mà cuộc đời ở dưới mặt đất’, ông Đậu Tuấn Anh – trưởng ban Pháp chế VCCI đã phải thốt lên như vậy khi kết thúc hội thảo.