Thực trạng an toàn, an ninh thông tin tại Việt Nam, đặc biệt là trong ngành ngân hàng và tại các cơ quan quản lý nhà nước trong năm qua đã có nhiều diễn biến rất phức tạp, khó lường. Giới tội phạm công nghệ cao luôn sẵn sàng lợi dụng những lỗ hổng, hạn chế của công nghệ để gây ra nhiều tác động tiêu cực cho xã hội. Chính vì thế việc đảm bảo an ninh mạng, đảm bảo an toàn thông tin trong lĩnh vực tài chính ngân hàng là một yêu cầu cấp thiết đối với phát triển đất nước.
Trong lĩnh vực ngân hàng và dịch vụ bán lẻ kết nối hệ thống ngân hàng, trong năm 2018 đã xảy ra nhiều vụ tấn công điển hình, gây hậu quả nghiêm trọng cho các doanh nghiệp, tổ chức như sự cố lộ hơn 5,4 triệu dữ liệu cá nhân được cho là khách hàng của chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động vào tháng 11/2018, hay sự cố lộ dữ liệu của hàng nghìn nhân viên hệ thống bán lẻ Con Cưng. Trước đó là sự cố website của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opbank) bị tấn công và nhóm tin tặc tuyên bố đã lấy được 275.000 dữ liệu khách hàng.
Bên cạnh lỗ hổng an ninh mạng, các loại tài sản ảo, tiền ảo du nhập vào Việt Nam trong thời gian gần đây đang được các tổ chức tội phạm sử dụng để thực hiện các loại hình phạm tội khác như tài trợ cho khủng bố, sử dụng để mua bán ma túy, mua bán vũ khí, rửa tiền,...ví dụ như đường dây lừa đảo tiền ảo iFan, Pincoin được hé lộ vào đầu năm 2018, khiến ít nhất 32.000 người sập bẫy, chiếm đoạt số tiền ước tính lên tới 15 nghìn tỷ đồng.
Nhiệm vụ cấp thiết của các cơ quan an ninh Việt Nam trong thời gian tới không chỉ là tìm các giải pháp để đảm bảo an ninh, an toàn mạng, đảm bảo tốt cho sự phát triển kinh tế xã hội đất nước, mà còn tìm ra những cách để nhận diện rõ hơn về hành vi, phương thức hoạt động của các loại tội phạm công nghệ cao để có biện pháp đấu tranh, sớm xây dựng hành lang pháp lý kịp thời, chính xác, cũng là một điều quan trọng nhằm hạn chế sự hoạt động của các nhóm tội phạm công nghệ cao.
Theo thống kê của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), trong năm 2018 xảy ra 10.220 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Trong đó có 5.932 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing); 3.198 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface) và 1.090 cuộc tấn công cài cắm mã độc (Malware).
Tuy nhiên, trong quý I/2019, tổng số cuộc tấn công mạng nhằm vào các hệ thống thông tin ở Việt Nam là 620 cuộc, giảm 21,17% so với quý IV năm 2018, giảm 49,82% so với cùng kỳ quý I năm 2018. Số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma là 1.845.133 địa chỉ, giảm 17,42% so với quý IV/2018 và giảm 56,19% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy việc đảm bảo an ninh, an toàn không gian mạng đang thực sự được nâng cao.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực đó, Cục An toàn thông tin cũng đã đưa dự báo 5 xu hướng chính về an toàn, an ninh mạng trong năm 2019 trên không gian mạng Việt Nam. Một là tấn công mạng vào các hệ thống thương mại điện tử, tài chính – ngân hàng với mục tiêu đánh cắp thông tin, dữ liệu cá nhân của người dùng. Hai là tấn công mạng có chủ đích vào các cơ quan, tổ chức nhà nước nhằm lấy cắp thông tin, dữ liệu gia tăng. Ba là giả mạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân để bôi nhọ, nói xấu và phát tán thông tin độc hại trên mạng. Bốn là tấn công mạng, đặc biệt là tấn công lây nhiễm mã độc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Năm là tấn công vào hạ tầng, thiết bị IoT, đô thị thông minh; đồng thời lợi dụng các hạ tầng, thiết bị này để thực hiện tấn công khác.