Theo đó, Meta bị cấm thu thập dữ liệu người dùng để phục vụ cho việc "quảng cáo hành vi" trên các mạng xã hội Facebook và Instagram.
Mệnh lệnh trên đã khép lại cơ sở pháp lý mà Meta vẫn dùng để tự do xử lý dữ liệu cá nhân của người dùng tại châu Âu để thực hiện các quảng cáo nhắm đến các đối tượng mục tiêu. Đây là hình thức quảng cáo đã giúp Meta trở thành một trong những công ty sinh lời cao nhất thế giới.
"Quảng cáo hành vi" đề cập đến hoạt động theo dõi người dùng trên các trang mạng để suy ra thói quen và sở thích của người dùng. Từ đó, sản xuất quảng cáo nhằm mục tiêu vào các đối tượng cụ thể, một mô hình kinh doanh phổ biến với các công ty công nghệ lớn.
"Quyết định mang tính ràng buộc cấm Meta, chủ sở hữu của các mạng xã hội Facebook và Instagram, sử dụng dữ liệu cá nhân của người dùng để phục vụ quảng cáo mục tiêu" - thông báo của EDPB ngày 1-11 nhấn mạnh.
Tuy nhiên, giờ đây, Meta sẽ cần có sự đồng ý rõ ràng của người dùng để có thể tiếp tục khai thác dữ liệu của họ. Theo EDPB, quy định mới nhất này sẽ “cấm việc xử lý dữ liệu cá nhân cho hoạt động quảng cáo theo hành vi người dùng, dựa trên cơ sở pháp lý là hợp đồng và quyền lợi hợp pháp, trên toàn Khu vực Kinh tế châu Âu”.
Trước khi có mệnh lệnh trên, Meta ngày 30/10 cho biết từ tháng này, người dùng Facebook và Instagram tại châu Âu sẽ có thể mua các gói đăng ký trả phí để sử dụng các mạng xã hội này mà không có quảng cáo. Meta tin rằng động thái này sẽ xoa dịu những lo ngại của các nhà quản lý tại Liên minh châu Âu (EU) về việc thu thập dữ liệu và cách nhắm mục tiêu trong quảng cáo của công ty này.
EDPB cho biết quyết định trên được đưa ra sau khi cơ quan này nhận được đề nghị từ cơ quan dữ liệu Na Uy. Trước đó trong năm nay, cơ quan dữ liệu Na Uy đã ban hành lệnh cấm hiển thị các quảng cáo của Facebook và Instagram có sử dụng dữ liệu cá nhân của người dùng mà các nền tảng này đã thu thập nhưng không có sự đồng ý của người dùng.
Meta cho rằng quyết định nói trên của EDPB đã “phớt lờ một cách vô lý” nỗ lực tuân thủ quy định nói trên của Meta. Theo Meta, một tòa án của EU đã ra phán quyết rằng mô hình đăng ký trả phí là “một hình thức xin phép hợp lệ đối với một dịch vụ có quảng cáo”. Nhưng nhà hoạt động nổi tiếng về quyền riêng tư trên mạng Internet, ông Max Schrems, đưa ra quan điểm phản bác rằng phương thức này chỉ được áp dụng với những người dùng có trả phí.
Đáp lại với quyết định của EDPB, Meta cho biết sẽ để người dùng tại EU và EEA quyết định có đồng thuận với việc cho phép hãng khai thác dữ liệu hay không.
Quyết định của EDPB sẽ ảnh hưởng tới 250 triệu người dùng Facebook và Instagram ở châu Âu. Lãnh đạo Cơ quan quản lý dữ liệu Na Uy (Datatilsynet) Line Coll, hoan nghênh việc EDPB nhất trí với đánh giá của cơ quan này và thông qua lệnh cấm.
Quyết định này của EDPB sẽ buộc cơ quan dữ liệu Ireland, đơn vị có thẩm quyền với các hoạt động của Meta tại châu Âu, đưa ra các biện pháp cuối cùng về vấn đề này trong vòng hai tuần, và một lênh cấm sẽ có hiệu lực vào một tuần sau đó.