Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu tương đối nhiều phân bón từ nước ngoài. Phần lớn thuộc vào diện chịu thuế VAT nên doanh nghiệp của họ được hoàn thuế đầu vào khi xuất khẩu sang Việt Nam. Mặt khác, phân bón nhập khẩu vào Việt Nam lại không phải chịu thuế VAT tại khâu nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán và cạnh tranh không công bằng với phân bón sản xuất trong nước.
Vừa qua, tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp toàn diện của ngành vật tư nông nghiệp Việt Nam” do Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức, các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng: việc không thu thuế VAT cũng dẫn đến mất nguồn thu của Nhà nước, còn nông dân phải mua phân bón với giá cao do các nhà sản xuất nội địa tăng giá bán để bù lỗ vào khoản chi phí do không được khấu trừ VAT.
TS. Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phát biểu: “Cần kiến nghị Quốc hội cho sửa càng sớm càng tốt phần quy định về sản xuất và kinh doanh phân bón tại Luật thuế 71 (Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế). Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức có liên quan trong việc kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp”.
Nhóm vật tư nông nghiệp là một trong những ngành nghề quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam và không ngừng phát triển trong nhiều năm qua, đó là các sản phẩm đầu vào của sản xuất nông nghiệp, bao gồm giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý, cải tạo môi trường trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Trong đó, phân bón là loại vật tư nông nghiệp quan trọng số 1 đối với sản xuất nông nghiệp, bởi chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành của trồng trọt, trong khi ngành trồng trọt hiện đang chiếm từ 64-68% trong tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp.
Theo số liệu của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2023 cả nước xuất khẩu 942.576 tấn phân bón các loại, tương đương 391,05 triệu USD; giảm 15% về khối lượng, giảm 45,8% về kim ngạch và giảm 36,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia, chiếm trên 36% tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp theo là thị trường Malaysia và Hàn Quốc.
Để khắc phục tình trạng tăng giá vật tư nông nghiệp, trong bối cảnh giá cả thế giới ngày càng leo thang, cần thực hiện đồng bộ nhiều chính sách cả trong sản xuất và trong sử dụng vật tư nông nghiệp
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế phát biểu: “Kể từ 2022, khi xung đột Nga – Ukraina bùng phát, các nhà cung cấp nguyên liệu từ khắp nơi trên thế giới như: Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu... đều thông báo tăng giá nguyên liệu 10 -30%, buộc giá cả trong nước cũng tăng theo”.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vật tư nông nghiệp chiếm 55% giá thành sản phẩm. Để bình ổn giá bán ra thị trường các bộ ban, ngành cần tiếp tục xem xét điều chỉnh các loại thuế phí có liên quan đến sản xuất vật tư nông nghiệp, đặc biệt là thuế giá trị gia tăng, chính sách hoàn thuế, chính sách ưu đãi, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế suất nhập khẩu, các loại thuế phí có liên quan đến lĩnh vực này một cách cẩn trọng và toàn diện. để các mặt hàng vật tư nông nghiệp thiết yếu như phân bón, thuốc trừ sâu có thể giảm bớt khó khăn cho nông dân.
Theo số liệu báo cáo của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu vật tư nông nghiệp trong tháng 08/2023 đem về 207 triệu USD, tăng 13,3% so với tháng 08/2022. Lũy kế 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu vật tư nông nghiệp đạt 1,32 tỷ USD, giảm 21,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, nhập khẩu nhóm ngành hàng này trong 8 tháng tiêu tốn 4,72 tỷ USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, xét về nhóm các mặt hàng vật tư nông nghiệp, Việt Nam đang nhập siêu tới 3,4 tỷ USD (Riêng phân bón, trong 7 tháng năm 2023 cả nước xuất khẩu 942.576 tấn phân bón các loại, tương đương 391,05 triệu USD). Như vậy, lượng phân bón nhập khẩu hiện vẫn cao gấp hơn 2 lần so với xuất khẩu.
Năm 2023 vừa qua, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Các chuyên gia kinh tế tham dự Hội thảo đều cho rằng: Trước hết là phải thúc đẩy tăng sản xuất vật tư nông nghiệp trong nước từ đó giảm giá bón vật tư nông nghiệp tới tay người nông dân. Tiếp đó, kiến nghị quốc hội cho sửa càng sớm càng tốt Luật thuế 71 đối với lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân bón.