Theo hãng tin Bloomberg, những năm gần đây, nội bộ Google tranh cãi khá nhiều về mặt đạo đức đối với các hành động của mình, trong đó Trung Quốc là một đề tài nóng. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với lượng người dùng Internet tăng nhanh, do đó bất kỳ doanh nghiệp nào cũng muốn hoạt động tại thị trường này để có lợi nhuận.
Dự án của Google có tên mã Dragonfly, là một trong số vài lựa chọn mà công ty theo đuổi để có thể trở lại Trung Quốc. Được biết công cụ tìm kiếm mới của Google sẽ tự động ngăn chặn những website trong danh sách đen của Bắc Kinh. Các website này sẽ bị gỡ bỏ khỏi kết quả tìm kiếm của người dùng, và thay bằng những tuyên bố pháp lý giải thích.
Tương tự, những từ khóa tìm kiếm về dân chủ, tôn giáo, biểu tình hòa bình hay quyền con người cũng bị đưa vào danh sách đen trong công cụ tìm kiếm dành riêng cho Trung Quốc.
Trên thực tế lần trở lại thị trường Trung Quốc của Google sẽ vô cùng gian nan. Bởi lẽ người dùng Trung Quốc hiện nay đã quen với việc sử dụng công cụ Baidu để tìm kiếm, sẽ rất khó để họ thay đổi thói quen này. Đã có rất nhiều suy đoán trong những năm qua rằng Google sẽ quay lại Trung Quốc bằng một sản phẩm nào đó. Điều này khiến nhiều người nghĩ đến Google Play chứ không phải một công cụ tìm kiếm kiểm duyệt như Dragonfly.
Trước đó, Google đã mở một phòng thí nghiệm AI tại Bắc Kinh. Phòng thí nghiệm là một phần của kế hoạch đầu tư vào các công ty Trung Quốc bao gồm thỏa thuận 550 triệu USD với JD.com và ký kết hợp tác với Tencent. The Intercept cho rằng những giao dịch này là bước đầu để giới thiệu Dragonfly tới 700 triệu người dùng Internet, thứ mà Google và nhiều đại gia công nghệ thèm muốn.
Một tuần trước, Facebook được chấp thuận thành lập công ty con tại Trung Quốc. Sau đó ít ngày, công ty này đã bị chính phủ tước giấy phép hoạt động. Facebook trước đây cũng từng xây dựng một công cụ có thể được kiểm duyệt tại Trung Quốc với mong muốn bước chân vào thị trường tỷ dân này.
Nhờ vắng bóng Google, Baidu củng cố sức mạnh trên thị trường tìm kiếm nội địa trong khi Bing của Microsoft hoạt động nhờ kiểm duyệt các chủ đề và từ khóa. Facebook, Twitter chịu chung cảnh với Google. Theo Intercept, Google quyết định phải đẩy nhanh quá trình phát triển dịch vụ tìm kiếm có kiểm duyệt sau khi CEO Sundar Pichai gặp gỡ quan chức cấp cao Wang Huning tháng 12/2017.
Theo một số nguồn tin nội bộ Google, công cụ tìm kiếm này sẽ là sản phẩm liên doanh của Google và một công ty địa phương tại Trung Quốc.