Thông tin này được ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ thanh tra kiểm tra, Tổng cục Thuế liên quan tới việc chống thất thu thuế từ kinh doanh thương mại điện tử tại Họp báo quý 3 của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia ngày 20/10, tại Hà Nội.
Theo ông Cường, kinh doanh thương mại điện tử đang ngày càng nở rộ, nhất là từ khi dịch COVID-19 bùng phát, lan rộng khắp thế giới từ đầu năm 2020 tới nay. Người dân ngày càng có thói quen mua bán hàng hóa qua mạng xã hội nhiều hơn.
“Chúng tôi đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền cho người nộp thuế hiểu và và thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ. Riêng năm 2017, ngành Thuế đã gửi 13.000 tin nhắn tới người nộp thuế, đồng thời kết hợp, yêu cầu 45 ngân hàng thương mại cung cấp thông tin để ngành Thuế có cơ sở dữ liệu quản lý thuế”, ông Cường chia sẻ.
Liên quan tới dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet Netflix, theo dữ liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Netflix cung cấp dịch vụ tại Việt Nam từ đầu năm 2016 với các gói có mức phí từ 180.000 đến 260.000 đồng/tháng.
Tổng cục Thuế đã phối hợp với Cục Phòng chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước và yêu cầu Netflix thống kê doanh thu trong 3 năm từ khi vào VN để truy thu thuế. Netflix cũng xúc tiến làm việc với Bộ Tài chính đặt văn phòng đại diện, máy chủ lưu dữ liệu tại VN để kê khai thuế.
Theo dữ liệu của các ngân hàng thương mại cung cấp cho cơ quan thuế, ông Cường cho hay chỉ riêng tại Hà Nội có 18.300 tổ chức và cá nhân bán hàng online với tổng thu nhập 1.462 tỉ đồng từ Google, Facebook, YouTube...
Số tiền ngành thuế truy thu được hơn 13,9 tỉ đồng, còn số tiền người nộp thuế chủ động kê khai và nộp cao hơn nhiều.
Đến nay, tổng số thuê bao trả phí cho Netflix ở Việt Nam đã đạt trên con số 300.000. Tính ra, mỗi năm, Netflix thu về hàng trăm tỷ đồng từ Việt Nam. Thế nhưng, Netflix tại Việt Nam hầu hết đăng kí sử dụng dịch vụ, thanh toán phí… đều thông qua phương thức trực tuyến, thẻ tín dụng.
Sắp tới, ngành thuế sẽ phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an để kịp thời xử lý đúng pháp luật dịch vụ nói trên.
Luật An ninh mạng đã có hiệu lực nên các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh có thu nhập tại Việt Nam từ hoạt động trên mạng phải lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. Đồng thời, họ phải có nghĩa vụ chuyển cho cơ quan thuế những dữ liệu này để quản lý thuế.
Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục củng cố hành lang pháp lý, phối hợp với ngân hàng thương mại, các bộ, ngành làm sạch cơ sở dữ liệu để quản lý thuế. Đồng thời, ngành thuế cũng đẩy mạnh thanh, kiểm tra đối với các cá nhân, tổ chức đã được tuyên truyền, hỗ trợ về phương tiện kê khai nhưng không tự giác nộp thuế.