Theo ông Tetsuo Saito, Bộ trưởng Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, cho biết, Bộ đã bắt đầu thực hiện các thủ tục thu hồi và hủy bỏ giấy Chứng nhận chất lượng và an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường cho 3 mẫu xe do Daihatsu sản xuất bao gồm Gran Max- thương hiệu riêng của Daihatsu và 2 mẫu xe TownAce của Toyota và Bongo của Mazda do Daihatsu sản xuất. Với lệnh xử phạt này, hãng xe con của Toyota sẽ bị cấm sản xuất hàng loạt 3 mẫu xe cho đến khi được cấp chứng nhận trở lại.
Trước khi việc hủy bỏ giấy chứng nhận an toàn chất lượng xe được công bố chính thức, Bộ sẽ tổ chức một buổi điều trần với Daihatsu vào ngày 23/1 tới đây. Bên cạnh đó, Bộ cũng dự kiến ban hành quy định quản lý siết chặt theo Đạo luật quản lý phương tiện vận tải đường bộ, yêu cầu Daihatsu cải tổ lại một cách mạnh mẽ cơ cấu tổ chức của mình.
Việc thu hồi giấy phép với Daihatsu là trường hợp thứ 3 ở Nhật Bản, sau khi giấy chứng nhận sản xuất bị hủy đối với chi nhánh xe tải Hino của Toyota và chi nhánh Toyota chuyên sản xuất xe nâng.
Lúc này, Daihatsu vẫn đang phải đối mặt với những hậu quả liên quan tới hành vi gian dối trong các bài thử nghiệm va chạm. Hãng đã phải dừng vận chuyển mọi mẫu xe từ các nhà máy của hãng, cho cả thị trường nội địa cũng như thị trường nước ngoài. Trụ sở hãng ở Osaka bị điều tra, và quá trình sản xuất tại Nhật Bản bị tạm dừng cho đến ít nhất cuối tháng 1.
Hiện nay, MLIT đang kiểm tra 45 mẫu xe, gồm 27 mẫu mới được sản xuất và 18 mẫu cũ hơn, và sẽ quyết định việc xử lý đối với hơn 40 mẫu xe còn lại.
Tháng 4/2023, Daihastu thừa nhận đã tùy chỉnh phần bên trong cửa xe của các mẫu xe được thử nghiệm nhằm giảm thiểu nguy cơ khi va chạm, giúp cửa xe không bị gãy, vỡ tạo thành dạng sắc nhọn, có thể làm bị thương người trên xe khi túi khí bên bung ra. Những chiếc xe bán ra thị trường không được chỉnh sửa như xe thử nghiệm. Tổng cộng 88.000 xe Toyota Vios và Perodua Axia liên quan tới hành vi gian dối. Perodua là hãng xe Malaysia mà Daihatsu giữ 25% cổ phần.
Vào tháng 5/2023, một hội đồng độc lập đã tiến hành điều tra thương hiệu Daihatsu (thuộc tập đoàn Toyota) sau khi hãng này thừa nhận đã gian lận trong bài kiểm tra an toàn của 6 mẫu xe. Theo điều tra, có thêm 174 trường hợp gian lận trong kết quả kiểm tra cuối cùng.
Tổng cộng, 64 mẫu xe và 3 mẫu động cơ bị ảnh hưởng, bao gồm cả những mẫu ô tô vẫn đang được phát triển hoặc đã ngừng sản xuất. Trong đó bao gồm 22 mẫu xe và 1 mẫu động cơ mang thương hiệu Toyota. Daihatsu Motor có thể phải chịu thiệt hại hơn 100 tỷ yên (tương đương gần 17.000 tỷ đồng) do vụ scandal gian lận an toàn, bao gồm khoản chi phí đến từ việc đóng cửa nhà máy và bồi thường cho các nhà cung cấp.
Kể từ ngày 20/12/2023, Công ty Daihatsu thông báo dừng hoạt động toàn bộ các dây chuyền sản xuất ô tô tại Nhật Bản vô thời hạn dù cho các lô hàng mới đã lại được giao ở Indonesia và Malaysia. Đồng thời, Toyota cũng thông báo dừng phân phối toàn bộ xe do Daihatsu sản xuất tại Nhật Bản và các nước..
Khoảng 60% trong tổng số 1,42 triệu ô tô mà Daihatsu đã bán ra trong năm 2023 là dành cho thị trường nội địa Nhật Bản. Do đó, bên cạnh tổn thất về doanh số bán hàng, Daihatsu còn phải đàm phán với các nhà cung cấp về việc bồi thường phần doanh thu bị mất của các đơn vị này khi hãng ngừng sản xuất cũng như hỗ trợ chi phí cho các đại lý bán xe Daihatsu bị khách hàng quay lưng sau bê bối. Tại Nhật Bản, Daihatsu có hơn 423 nhà cung cấp cấp 1 và 30.000 đại lý bán xe trên cả nước.