Thỏa thuận hợp tác 3 bên này được nhận định là một dấu mốc quan trọng giúp nâng cao nhận thức, đẩy mạnh trang bị kỹ năng cơ bản về an toàn thông tin, an ninh mạng cho cán bộ, nhân dân. Đồng thời, thỏa thuận cũng hướng tới góp phần thúc đẩy triển khai ‘Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030’ (Đề án 06) trong giai đoạn tới.
Theo thỏa thuận hợp tác mới được ký kết, C06, VNISA và Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ hợp tác xây dựng và chuẩn hóa học liệu cho các khóa đào tạo an toàn, an ninh thông tin nói chung, trước mắt tập trung vào 2 khóa ngắn hạn gồm khóa nâng cao nhận thức an toàn không gian số, và khóa đào tạo cơ bản về an toàn không gian số.
Ba đơn vị cũng hợp tác xây dựng các khung đánh giá năng lực, cấp chứng nhận cho học viên tham gia và đáp ứng các tiêu chí đánh giá của các khóa đào tạo; phối hợp triển khai các khóa đào tạo về an toàn, an ninh thông tin cho cộng đồng, trong đó đặc biệt hướng tới đối tượng là các cán bộ, công chức, viên chức tham gia triển khai Đề án 06 của Chính phủ.
Ngoài ra, các bên cũng thống nhất phương án sẽ triển khai đào tạo theo hình thực trực tuyến trên nền tảng giáo dục trực tuyến đại chúng mở (MOOC) do Trung tâm Công nghệ và giải pháp chuyển đổi số trong giáo dục, Trường CNTT-TT, Đại học Bách khoa Hà Nội phát triển.
Trong năm 2023, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Đại học Bách khoa Hà Nội đã đào tạo được hơn 72.000 học viên về các chuyên đề chuyển đổi số và an toàn không gian số.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết: Thời gian qua, Bộ Công an chủ trì phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội khai thác nền tảng giáo dục trực tuyến đại chúng mở (MOOC) trên toàn quốc để nâng cao kiến thức, hỗ trợ triển khai Đề án 06, cho cán bộ, công chức, viên chức, giảm chi phí đào tạo truyền thống.
“Hiện nay, hệ thống dữ liệu của chúng ta nằm trong môi trường mạng thì phải tính đến vấn đề an ninh, an toàn, bảo mật”, Đại tá Vũ Văn Tấn nói.
Chính vì vậy, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã quyết tâm xây dựng phần mềm Nền tảng đào tạo trực tuyến (MOOC) với công nghệ hiện đại, dễ tiếp cận, tiết kiệm thời gian, chi phí. Phần mềm này cho phép số lượng lớn học viên tham gia (5.000 học viên cùng thời điểm) với học liệu được xây dựng khoa học, gắn với thực tiễn công tác của các đơn vị.
Để khai thác hiệu quả hơn nữa MOOC, năm 2024 và các năm tiếp theo cần thiết phải tăng hơn nữa chỉ số đào tạo, nhiều học viên hơn nữa tiếp cận tham gia học, nhiều chuyên đề được đưa vào nền tảng, trong đó vấn đề đào tạo an ninh, an toàn trên không gian mạng là một nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn chuyển đổi số, cuộc cách mạng 4.0.