Trong đăng tải mới cập nhật, WhatsApp cho biết một người dùng khi mời người khác vào nhóm trò chuyện của mình sẽ nhận được yêu cầu bắt buộc gửi lời mời vào cửa sổ trò chuyện cá nhân với người này, qua đó, cho phép người được mời lựa chọn có tham gia nhóm trò chuyện hay không. Lời mời này sẽ tự động hết hạn trong vòng 3 ngày.
Theo đó, người dùng có thể lựa chọn giữa Nobody (không một ai), My Contact (những người và họ đã lưu số điện thoại trong danh bạ) và Everyone (mọi người). Đây là tùy chọn đối với những người được phép thêm bạn vào một nhóm trò chuyện trên WhatsApp - đảm bảo rằng bạn sẽ không bị làm phiền bởi những người mà mình có thể không quen biết.
Để thêm người bị hạn chế quyền truy cập, bạn sẽ được yêu cầu gửi một tin nhắn riêng tư cho người đó với một liên kết mời. Tiếp theo, cá nhân này có thể quyết định xem họ có muốn tham gia nhóm trò chuyện hay không thông qua liên kết mời được gửi kèm theo.
Tùy chọn để kiểm soát tính năng này sẽ có sẵn trong mục Settings > Account > Privacy > Groups. WhatsApp cho biết họ đang bắt đầu tung ra tùy chọn này cho một vài nhóm người dùng cụ thể, bắt đầu từ ngày hôm nay 4/3. Người dùng trên toàn thế giới sẽ nhận được tính năng này trong vài tuần tới. Tuy nhiên, công ty cho biết thêm rằng bạn sẽ được yêu cầu cài đặt phiên bản WhatsApp mới nhất thì mới có thể sử được dụng tính năng này.
Việc triển khai tùy chọn mới cho phép kiểm soát việc thêm người vào nhóm chat xuất hiện trong bối cảnh ngày càng có nhiều người dùng WhatsApp bày tỏ thất vọng về sự tràn lan của các tin nhắn spam không mong muốn mà họ phải xử lý sau khi bị một người nào đó tự ý thêm vào các nhóm trò chuyện mà không được sự đồng ý của mình.
Với tổng số 1,5 tỷ người dùng, WhatsApp được đánh giá là một công cụ liên lạc và thương mại quan trọng tại nhiều nơi trên thế giới. Ứng dụng này được Facebook mua lại năm 2014 trong một thương vụ trị giá 19 tỷ USD.
Vấn đề này đã trở nên nổi bật hơn trong những tháng gần đây, khi nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu giai đoạn bầu cử, và các tổ chức chính trị đã tiến hành thêm người dùng một cách “vô tội vạ” vào càng nhiều nhóm càng tốt để tuyên truyền những thông điệp vận động chính trị của mình. Tại một hội nghị bàn tròn ở New Delhi vào tháng 2 năm nay, đại diện WhatsApp cho biết họ đã đặc biệt lưu tâm về vấn đề này và đang tìm cách giải quyết sao cho triệt để và hợp lý nhất có thể.
“Người dùng yêu cầu được cấp quyền kiểm soát nhiều hơn đối với trải nghiệm của họ, và chúng tôi nghĩ rằng đó là một yêu cầu hoàn toàn chính đáng”, đại diện WhatsApp phát biểu.
Động thái mới được coi là một trong những nỗ lực của công ty nhằm lấy lại hình ảnh cho WhatsApp sau khi ngày càng nhiều người dùng tỏ ra lo ngại về chính sách quyền riêng tư của ứng dụng này. Không ít người cho rằng chính sách riêng tư của WhatsApp chưa đủ chặt chẽ dẫn tới tình trạng lạm dụng để lan truyền thông tin giả mạo, các hình ảnh đã bị chỉnh sửa và những nội dung ghi hình hoặc ghi âm không rõ nguồn gốc, đặc biệt sau khi hàng loạt vụ bạo lực gây thương vong đáng tiếc liên tục xảy ra tại Ấn Độ hồi năm ngoái có liên quan tới những thông tin sai lệch lan truyền trên ứng dụng này.
Hồi tháng 1 vừa qua, WhatsApp thông báo sẽ hạn chế một người dùng có thể chuyển tiếp một tin nhắn tối đa 5 lần để ngăn chặn nạn tung tin sai sự thật và các tin đồn thất thiệt.
Trên thực tế trong những tháng vừa qua, ứng dụng trò chuyện trực tuyến này đã đưa ra khá nhiều thay đổi thiết thực liên quan trực tiếp đến trải nghiệm người dùng, bao gồm việc giới hạn số lượng tin nhắn mà người dùng có thể chuyển tiếp trên ứng dụng, cũng như tăng cường các công cụ phát hiện thư rác để ngăn chặn hoạt động lừa đảo… tất cả đều đã nhận được phản hồi tích cực từ phía cộng đồng người dùng.