Trong phiên tòa được xử kín ngày 3/8, tòa án phán quyết Công ty Apple Distribution International vi phạm luật hành chính Liên bang Nga và bị phạt 400.000 rúp (hơn 4.200 USD).
Trước đó, Cơ quan giám sát thông tin Nga gửi đến Công ty Apple Distribution International thông báo yêu cầu xóa thông tin đăng trên Apple Podcasts (nền tảng phát thanh trên ứng dụng) về chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina. Cơ quan quản lý cho rằng những nội dung này có thể gây mất ổn định chính trị tại Liên bang Nga.
Dường như Apple đã không thực hiện yêu cầu này và dẫn đến án phạt.
Đây là lần đầu tiên Apple bị phạt vì vi phạm này. Hãng thông tấn Interfax cho biết Apple đã không xóa các ứng dụng và podcast có chứa những thông tin không chính xác về cuộc xung đột ở Ukraina.
Hãng Interfax đã dẫn lời tòa án rằng, nội dung vi phạm của Apple là “lôi kéo trẻ vị thành niên vào các hoạt động bất hợp pháp nhằm gây ra tình hình bất ổn chính trị tại Liên bang Nga”.
Apple đã không trả lời bình luận ngay lập tức. “Nhà Táo” đã dừng tất cả hoạt động kinh doanh tại Nga sau khi xung đột giữa Nga – Ukraina xảy ra vào tháng 2/2022, đồng thời hạn chế dịch vụ Apple Pay tại nước này.
Các luật sư của Apple tại tòa án đã yêu cầu tổ chức phiên họp kín nhằm ngăn chặn việc tiết lộ bí mật thương mại. Sau đó giới truyền thông được yêu cầu rời đi.
Được biết, Moscow đã có xung đột với Big Tech này trong nhiều năm về nội dung, dữ liệu, kiểm duyệt và đại diện địa phương trong các tranh chấp leo thang sau xung đột ở Ukraina.
Vào tháng 2, Cơ quan chống độc quyền Liên bang Nga (FAS) cho biết Apple đã trả khoản tiền phạt 906 triệu rúp (~9.585.480 USD) trong một vụ kiện chống độc quyền của Nga với cáo buộc lạm dụng sự thống trị của mình trên thị trường ứng dụng di động.
Vào thời điểm trả khoản phạt, Apple đã không đưa ra bình luận. Tuy nhiên, trước đó gã khổng lồ công nghệ đã kháng cáo với phán quyết của FAS, cho rằng việc phân phối ứng dụng Apple thông qua hệ điều hành iOS đã mang lại lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm của họ.
Trước đó, Wikimedia Foundation, công ty sở hữu Wikipedia, cũng từng bị phạt 3 triệu rúp vì vi phạm tương tự. Wikimedia đã bị phạt nhiều lần và trước đây, công ty cũng khẳng định thông tin mà chính quyền Nga cáo buộc là “sai lệch” có nguồn gốc rõ ràng và phù hợp với các tiêu chuẩn của Wikipedia.