Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Khoa học nano và Công nghệ quốc gia Trung Quốc và các viện trực thuộc Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc (CAS) gồm Viện Công nghệ hiện đại Thâm Quyến, Viện Vật lý năng lượng cao và Viện Động vật học Côn Minh, đã phát triển một vật liệu nano chống virus SARS-CoV-2 và cơ chế kháng virus của vật liệu này.
Đó là tấm nano hợp chất 2 chiều siêu mỏng bao gồm các chất đồng, indi, phốt pho và sulfur (CIPS).
Vật liệu này được coi là công cụ mới phòng chống lây lan virus SARS-CoV-2.
Theo nghiên cứu, CIPS cho thấy khả năng gắn kết có tính lựa chọn rất cao đối với vùng gắn thụ thể của protein gai của virus SARS-CoV-2 và các biến thể của virus này như Delta và Omicron.
Kết quả thử nghiệm cho thấy khi bị gắn kết với CIPS, virus SARS-CoV-2 nhanh chóng bị các tế bào bạch cầu của vật chủ tiêu diệt. Điều này cho thấy CIPS có thể được sử dụng để "bắt" virus SARS-CoV-2 và tạo điều kiện cho tế bào bạch cầu của vật chủ loại bỏ virus này.
Ngoài ra, CIPS có thể hạn chế sự xâm nhập của virus SARS-CoV-2 cũng như sự lây lan của virus này trong các tế bào, cơ quan tế bào, từ đó làm giảm tình trạng viêm phổi theo như kết quả thử nghiệm ở chuột mắc COVID-19.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Nanotechnology, cho thấy tiềm năng của CIPS trở thành thuốc nano điều trị COVID-19 an toàn và hiệu quả cũng như là chất khử độc và vật liệu bao phủ bề mặt nhằm giảm sự lây lan của virus SARS-CoV-2.