Mục tiêu của hội thảo nhằm phổ biến các thông tin về chính sách và các chương trình hỗ trợ của Chính phủ đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô, điện tử, cơ khí tại Việt Nam; Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI và các nhà sản xuất công nghiệp đầu chuỗi trong ba lĩnh vực ô tô, điện tử, cơ khí chia sẻ các kinh nghiệm, khó khăn và đề xuất giải pháp để nâng cao tỷ lệ nội địa hoa; Hội thảo kết hợp với triển lãm và hoạt động kết nối trực tiếp B2B tạo cơ hội cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt nam tiếp cận trực tiếp, trưng bay giới thiệu sản phẩm tới các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp đầu chuỗi cũng như chia sẻ các khó khăn trong việc tham gia chuỗi cung ứng.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam.
Thời gian qua, Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành năm 2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã đạt được những kết quả nhất định, các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ và chính sách ưu đãi đối với công nghiệp hỗ trợ ban đầu đã phát huy tác dụng, tạo tính lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp trong nước.
Mới đây nhất, ngày 6/8/2020, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 115 về các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặt mục tiêu đến năm 2025 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Năm 2030 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp.
Số doanh nghiệp đang hoạt động trong công nghiệp hỗ trợ hiện chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Không thể phủ nhận, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định, đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu. “Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế, nhìn chung quy mô và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt còn yếu, chưa đủ lực để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu”- ông Phạm Tuấn Anh nhìn nhận.
Mặt khác, trong thời gian qua, liên kết đầu - cuối trong chuỗi sản xuất vẫn chưa thực sự chặt chẽ. Việt Nam hiện có gần 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp ô tô, điện tử còn ở mức thấp.
Do đó, việc thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài; nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu là một trong những giải pháp quan trọng nhất.
Đáng chú ý, năm 2020 chứng kiến những tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid 19 đến nền kinh tế và các chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự đứt gãy các chuỗi cung ứng đặt ra yêu cầu tái cấu trúc đối với các tập đoàn đa quốc gia theo hướng tăng tỉ lệ nội địa hoá và phân tán rủi ro. Những thay đổi này đặt ra cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải tự chủ và năng động hơn trong việc tìm kiếm cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng mới hình thành.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đỗ Nam Bình- Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp (IDC) cho biết, nắm bắt được tầm quan trọng và tính cần thiết của hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, trong thời gian qua, IDC đã triển khai Chương trình Hỗ trợ, tư vấn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trở thành nhà cung ứng trong chuỗi sản xuất cơ khí, ô tô, điện tử thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2020 với mục tiêu nâng cao năng lực doanh nghiệp sản xuất phụ tùng linh kiện ô tô và điện tử, cơ khí chế tạo, đồng thời tổ chức kết nối hiệu quả các doanh nghiệp sản xuất trong nước với các doanh nghiệp bên mua trong và ngoài nước.
Phát biểu tại hội thảo, đại diện của Tập đoàn Điện tử Samsung Việt Nam, ông Jang Yoon-Ho, Giám đốc bộ phận hỗ trợ đối tác, chia sẻ: "Năm 2014, Samsung chỉ lựa chọn được 04 doanh nghiệp nội địa của Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 thì con số này đã tăng lên 42 doanh nghiệp trong năm 2019 và đang tiến tới 50 doanh nghiệp vào năm 2020. Samsung đang có khoảng 59 nhóm hàng linh kiện nọi địa, Các nhà cung cấp ở Việt Nam mới dừng lại ở một số linh kiện nhựa, in ấn, trong khi Samsung cần hơn 400 linh kiện".
Trong hai năm 2018 và 2019, trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công thương và Tập đoàn Samsung, đã có 207 tư vấn viên Việt Nam được đào tạo bài bản và 40 doanh nghiệp được tư vấn cải tiến nâng cáo năng suất chất lượng. Năm 2020, Samsung tiếp tục phối hợp với Trung tâm IDC, Cục Công nghiệp triển khai 4 khoá đào tạo trong nước cho 120 tư vấn viên và hỗ trợ cải tiến cho 20 doanh nghiệp, đồng thời thực hiện các chương trình từ vấn cải tiến dành cho doanh nghiệp CNHT, chương trình đào tạo nhân lực ngành khuôn mẫu.
Đại diện của Honda Việt Nam, ông Nguyên Huy Trung, Giám đốc đối ngoại, cũng đã chia sẻ triết lý "Sức mạnh của những ước mơ", trong đó nêu bật thành tựu trải qua 25 năm phát triển tại Việt Nam, Honda Việt Nam đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của ngành công nghiệp xe máy tại Việt Nam với tỷ lệ nội địa hoá xe máy đạt 98% và tạo ra hệ thông trên 100 nhà cung ứng lớp 1 cho công ty, tạo việc làm cho trên 70.000 lao động. Honda Việt Nam cũng đang đứng số 1 trong tập đoàn Honda về xuất khẩu phụ tùng xe máy đi các nước, tăng 13,6 lần so với năm 2012. Hiện tại, Honda Việt nam đang nỗ lực không ngừng để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam và tận dung 70 trong tổng số 100 nhà cung cấp tiềm năng hiện nay sang cung cấp cho lĩnh vực ô tô.
Việt Nam đang đứng trước những "cơ hội ngàn năm có một" để thu hút đầu tư, tăng cường nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể tham gia nhóm các nền kinh tế công nghiệp mới nổi trong vòng 5 năm tới. Phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có ý nghĩa quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của mỗi quốc gia, nhất là đối với những nước đang phát triển như Việt Nam. Cùng với tiến trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tuy đã có những bước tiến nhất định, song vẫn là ngành chậm phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước.
Nối tiếp chuyển biến từ bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung từ năm 2019, các nhà đầu tư đang có những động thái giảm thiểu rủi ro bằng cách đa dạng hoá hoạt động đầu tư ngoài Trung Quốc, trong đó Việt Nam là một trong những điểm đến đầy tiềm năng, Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức lớn cho ngành CNHT Việt Nam.
Hội thảo kết nối doanh nghiệp công nghiệp ô tô, điện tử, cơ khí năm 2020 được tổ chức nằm trong khuôn khổ thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2020, hướng đến tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp đầu chuỗi và các tập đoàn đa quốc gia có chiến lược nội địa hóa, tiếp cận các nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước, tạo nền tảng cho các chương trình đầu tư phát triển công nghiệp, hình thành mạng lưới các nhà sản xuất nhỏ và vừa trong nước. |