Cuộc chiến kiện tụng 5 năm của vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên
Ngày 24/5/2021, đại diện Tập đoàn Trung Nguyên gửi đến báo chí bản tin xác nhận ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã thi hành xong “án ly hôn và chia tài sản”, chính thức “khép lại” vụ ly hôn nghìn tỷ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Vụ lùm xùm giữa vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên bắt đầu từ tháng 4/2015, khi ông Đặng Lê Nguyên Vũ đột ngột bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (vợ của ông Vũ) tại Tập đoàn Trung Nguyên.
Từ việc tranh chấp quyền điều hành ở Tập đoàn Trung Nguyên đã khơi mào cho nhiều vụ kiện hành chính, kinh tế giữa hai vợ chồng. Nếu bà Lê Hoàng Diệp Thảo khởi kiện về việc bị bãi nhiệm không hợp lệ thì ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng đi kiện bà Lê Hoàng Diệp Thảo vì bị chiếm đoạt con dấu của Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (TNH). Đây là 2 trong 18 vụ kiện tranh chấp tài sản và quyền sở hữu Tập đoàn, giữa đôi vợ chồng “vua cà phê”.
Theo thống kê, tổng giá trị khối tài sản chung của hai vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo lên tới 7.502 tỷ đồng gồm tiền mặt, vàng sở hữu chung và giá trị số cổ phần tại các doanh nghiệp phát triển trong thời kỳ hôn nhân. Số này chưa bao gồm các bất động sản mà cả hai đứng tên với giá trị hàng trăm tỷ đồng khác.
Sau 5 năm tranh chấp, cuộc ly hôn giữa vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên đã chính thức khép lại. Bà Lê Hoàng Diệp Thảo được chia tổng số tài sản hơn 3.245 tỷ đồng, ông Đặng Lê Nguyên Vũ được chia tổng số tài sản hơn 4.655 tỷ đồng.
Về bất động sản, bà Lê Hoàng Diệp Thảo được sở hữu, quản lý, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất gồm 7 bất động sản trị giá 375 tỷ; ông Đặng Lê Nguyên Vũ được quản lý đất và tài sản gắn liền với đất tương đương 6 bất động sản trị giá 350 tỷ.
Bên cạnh đó, bà Lê Hoàng Diệp Thảo được giữ sở hữu tiền, vàng, ngoại tệ đang sở hữu tại các ngân hàng trị giá hơn 1.551 tỷ đồng, đồng thời nắm toàn quyền sở hữu Công ty Trung Nguyên International Pte (Singapore).
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ được sở hữu toàn bộ số cổ phần đang ghi tên ông và bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại các công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên, tương đương số tiền khoảng 5.655 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa, ông Đặng Lê Nguyên Vũ chính thức sở hữu toàn bộ Tập đoàn Trung Nguyên.
Tranh chấp khối tài sản nửa tỷ USD của vợ chồng Phó chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn
Vụ ly hôn giữa ông Bùi Đức Minh và bà Nguyễn Thanh Thủy - Phó chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn, đồng thời là con gái ông chủ Tập đoàn Bảo Sơn xảy ra năm 2011 được đánh giá là vụ ly hôn đắt giá hàng đầu Việt Nam.
Ông Bùi Đức Minh kết hôn với bà Nguyễn Thanh Thủy (Phó Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn) từ năm 2004 và có 2 người con chung. Tuy nhiên, đến khoảng cuối năm 2009 thì hai người phát sinh mâu thuẫn.
Tháng 4/2010, bà Nguyễn Thanh Thủy đã có đề nghị Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm làm thủ tục ly hôn. Tuy nhiên, tại quyết định chấp thuận ly hôn của toà, các tài sản, công nợ chung không được phân chia. Do đó, ông Bùi Đức Minh đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án, yêu cầu hủy bản án sơ thẩm và phân chia lại số tài sản thuộc sở hữu chung của cả 2 vợ chồng.
Theo ông Bùi Đức Minh, số tài sản nghìn tỷ nói trên được xác lập trong thời kỳ hôn nhân, nhưng phần lớn cổ phần mang tên bà Nguyễn Thanh Thủy. Do đó, ông đòi chia số cổ phần tăng thêm đứng tên bà Thủy tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Bảo Sơn và 7 công ty khác.
Theo định giá của ông Bùi Đức Minh, toàn bộ tài sản thời điểm đó có giá trị khoảng 500 triệu USD (10.000 tỷ đồng), và ông phải có quyền lợi trong đó. Vụ ly hôn kéo dài nhiều năm khi cả hai bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung.
Trong khi vụ việc vẫn chưa được giải quyết thì diễn biến bất ngờ xảy ra khi ông Bùi Đức Minh đã bị công an Hà Nội bắt về hành vi vu khống, bôi nhọ một số lãnh đạo Hà Nội vào năm 2012, và bị tuyên 15 tháng án tù.
Cuộc ly hôn “sòng phẳng” của Phó chủ tịch Tập đoàn FPT
Dù không phải là cuộc ly hôn có tranh chấp tài sản lớn nhất nhưng cuộc ly hôn của vợ chồng ông Lê Quang Tiến (khi đó là Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT) và bà Lê Thị Hồng Hải lại là cuộc ly hôn đắt giá nhất trên thị trường chứng khoán Việt.
Cuối tháng 12/2006, Tòa án nhân dân quận Ba Đình (Hà Nội) nhận được đơn xin ly hôn do ông Lê Quang Tiến đứng tên. Theo đơn, ông Lê Quang Tiến chỉ yêu cầu Tòa công nhận thỏa thuận ly hôn. Còn về con cái và tài sản, đơn không yêu cầu Tòa giải quyết.
Sau khi Tòa ra quyết định thuận tình ly hôn, câu chuyện được dư luận quan tâm không chỉ là vì số tiền lớn mà còn là cách hành xử của ông Lê Quang Tiến được xem là “chơi đẹp” với vợ cũ.
Cụ thể là tại thời điểm ly hôn, ông Lê Quang Tiến đang sở hữu hơn 3,7 triệu cổ phiếu tại Công ty FPT. Sau khi có quyết định của Toàn án nhân dân quận Ba Đình, ông Lê Quang Tiến đã chuyển 50% số cổ phần đang nắm giữ tại Công ty FPT cho bà Lê Thị Hồng Hải và điều này khiến bà trở thành một trong những đại gia nghìn tỷ trên thị trường chứng khoán khi đó.
Việc chia đôi tài sản cổ phiếu của ông Lê Quang Tiến mà không có bất cứ sự tranh chấp nào được nhiều chuyên gia pháp lý đánh giá là điều hiếm có và được xem là "sòng phẳng", hợp tình theo cả pháp lý và quan niệm dân gian "của chồng công vợ".
Cuộc ly hôn của ông chủ Amazon
Ông chủ Amazon Jeff Bezos và vợ cũ, MacKenzie, kết hôn năm 1993 và có với nhau 4 người con. Jeff Bezos thành lập Amazon trong garage của gia đình ở Seattle năm 1994 và dần biến công ty này thành tượng đài khổng lồ thống trị ngành bán lẻ trực tuyến.
Đầu năm 2019, Jeff Bezos thông báo trên Twitter rằng ông và vợ quyết định ly dị sau 25 năm chung sống. Theo thoả thuận ly hôn, ông Jeff Bezos giữ 75% cổ phần của gã khổng lồ Amazon, còn bà MacKenzie Bezos được 35,6 tỷ USD cổ phiếu.
Dù chỉ nhận 25% cổ phần Amazon của chồng cũ nhưng cũng đủ để bà MacKenzie bước vào hàng ngũ của những tỷ phú giàu nhất thế giới. Theo tạp chí Forbes, sau khi ly hôn, bà MacKenzie trở thành người phụ nữ giàu thứ 3 thế giới sau người thừa kế của L’Oreal Francois Bettencourt Meyers và Alice Walton của Walmart.
Jeff Bezos vẫn là người giàu nhất thế giới, với 12% cổ phần của Amazon trị giá 112 tỷ USD. “Ông ấy sẽ giữ lại các tài sản khác, bao gồm tờ Washington Post và công ty thám hiểm không gian Blue Origin”, bà MacKenzie cho biết trong một thông báo vào tháng 4/2019.
Cuộc ly hôn của vợ chồng tỷ phú Bill Gates
Tỷ phú Bill Gates, người đồng sáng lập tập đoàn Microsoft, và vợ đã tuyên bố ly hôn sau 27 năm chung sống. Với khối tài sản 137 tỷ USD tính tới tháng 2/2021 của nhà Gates (theo Bloomberg), đây có thể là một trong những vụ ly hôn đắt đỏ nhất thế giới.
Vợ chồng tỷ phú đã nộp đơn xin ly hôn lên quận King, bang Washington ngày 3/5/2021. Trong thông báo, cả hai không nói rõ việc phân chia tài sản và mong được tôn trọng sự riêng tư của họ khi bắt đầu cuộc sống mới.
Theo Bloomberg, cặp vợ chồng giàu có bậc nhất thế giới này sở hữu khối tài sản khoảng 145 tỉ USD. Và việc phân chia số tiền này sẽ còn phức tạp hơn cuộc ly dị của ông chủ Amazon, tỉ phú Jeff Bezos, năm 2019 bởi tài sản của ông Gates dàn trải trong nhiều lĩnh vực.
Số cổ phiếu của nhà Gates trong Tập đoàn Microsoft mà ông Bill Gates là đồng sáng lập chỉ chiếm khoảng 20% tài sản của họ, và tài sản này đã được dần chuyển sang Quỹ Bill & Melinda Gates. Tài sản lớn nhất của họ là Cascade Investment. Thông qua công ty này, nhà Gates đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực như bất động sản, năng lượng, các công ty công,… Ngoài ra, nhà Gates cũng sở hữu đất đai, nhà cửa nhiều bậc nhất ở Mỹ, bao gồm dinh thự rộng hơn 6.000m2 của họ tại Washington.
Theo thông tin được hãng tin Bloomberg dẫn lại ngày 4/5/2021, Công ty Cascade Investment của ông Bill Gates đã chuyển số cổ phiếu trị giá 1,8 tỉ USD cho bà Melinda French Gates.
Một luật gia nhận định, việc Cascade Investment nhanh chóng chuyển cổ phiếu cho bà Melinda cho thấy dường như cặp vợ chồng tỷ phú này đã quyết định xong việc phân chia tài sản. Dù vậy, chi tiết việc phân chia số tài sản khổng lồ này có thể sẽ không bao giờ được tiết lộ, bởi số cổ phần nhà Gates nắm giữ trong các công ty truyền thông cũng đủ lớn để che giấu mọi thông tin.